Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam và thế giới đã có một số khoảng thời gian diễn biến khá tiêu cực. Tuy nhiên, các sàn giao dịch chứng khoán HoSE và HNX vẫn thu hút được vốn ngoại “ở mức cao”.
Thống kê từ đơn vị này, từ đầu năm 2018, mua ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán chính thức ở mức cao, đạt xấp xỉ 573 triệu USD (trong đó 542 triệu USD cổ phiếu và 31 triệu USD trái phiếu). Trong tháng 2, khối ngoại tiếp tục mua ròng 151 triệu USD trong đó mua ròng 154 triệu USD cổ phiếu và bán ròng 3 triệu USD trái phiếu.
“Nhìn chung, triển vọng dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong năm 2018 tích cực do các yếu tố vĩ mô như tỷ giá, lạm phát của Việt Nam ổn định, tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể vượt mức 6,8% và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết” – đơn vị này nhận định.
Về cơ bản, Hiệp định CPTPP có nhiều khác biệt so với Hiệp định ban đầu TPP với 12 nước tham gia đàm phán (bao gồm Mỹ), tuy nhiên CPTPP vẫn được đánh giá là Hiệp định mang tính bao trùm, toàn diện, tác động đến không chỉ về thương mại mà còn về đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều vấn đề khác của các nước tham gia.
Đối với tác động của CPTPP đến Việt Nam, với việc không có Mỹ tham gia, ảnh hưởng của Hiệp định này đến thương mại của Việt Nam đã giảm đi đáng kể do Mỹ là thị trường có quy mô lớn, là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam và Mỹ cũng là nhà đầu tư nằm trong top 10 lớn nhất vào Việt Nam. Mặc dù vậy, các đối tác còn lại trong Hiệp định như Nhật Bản, Canada, Australia, Mexico… vẫn là những thị trường đầy tiềm năng cho xuất khẩu cũng như đầu tư của Việt Nam và tại Việt Nam.
Theo nghiên cứu mới đây của World Bank, các lĩnh vực được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh của Việt Nam dưới tác động của CPTPP gồm thực phẩm, đồ uống, dệt may, hóa chất, thuốc lá, sản phẩm nhựa và đồ da, trang thiết bị vận tải, máy móc và các trang thiết bị khác. Xuất khẩu của Việt Nam dự kiến tăng 4,2-5,3% trong khi năng suất lao động dự kiến tăng 6,9%-7,6%. Theo một tính toán khác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiệp định CPTPP có thể giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng thêm trên dưới 2%, không chỉ đến từ xuất khẩu mà còn trong hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ, cải cách thể chế… Cần thêm thời gian và thông tin cụ thể về Hiệp định để có thể đánh giá chính xác hơn tác động của CPTPP đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn, tuy nhiên nhóm phân tích CTCK (BVSC) đánh giá các ngành hàng tiêu dùng, dệt may, nông thủy sản, bất động sản khu công nghiệp… sẽ là những ngành được hưởng lợi lớn sau khi Hiệp định được chính thức đưa vào thực thi.
Để tăng nguồn cung cho thị trường và thu hút nhà đầu tư nước ngoài, Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cũng đưa ra kiến nghị cần tiếp tục thúc đẩy cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, với các doanh nghiệp lớn cần có lộ trình IPO sớm để tận dụng cơ hội thị trường chứng khoán đang thuận lợi, tránh tập trung dồn dập vào cuối giai đoạn 2019-2020.
Nhận định về diễn biến tỷ giá USD trong thời gian qua, NFSC cho biết, tính đến cuối tháng 02/2018, tỷ giá trung tâm tăng 0,13% so với cuối năm 2017. Tỷ giá NHTM tăng khoảng 0,12%, tỷ giá thị trường tự do tăng khoảng 0,22%. Nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ giá tăng nhẹ là do đồng đô la Mỹ phục hồi trong tháng 2.
Tỷ giá năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi ba yếu tố. thứ nhất, cán cân thương mại có khả năng tiếp tục thặng dư. Tính đến 15/2/2018, cán cân thương mại thặng dư 1,6 tỷ USD so với đầu năm. Thứ hai, đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục mất giá trong năm 2018. Thứ ba, triển vọng về nguồn vốn gián tiếp (FII) vào Việt Nam thông qua thị trường chứng khoán là rất tích cực.
Do đó, đơn vị này nhận định tỷ giá USD/VND trong năm 2018 tăng nhẹ ở mức 1,5 – 2% sẽ tiếp tục tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.