Biến động khó lường
Diễn biến phiên ngày 23/7 khá kịch tính. Từ mức giá mở cửa gần 932 điểm, đã có lúc VN-Index tăng lên đến gần 950 điểm khi nhiều nhóm cổ phiếu như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… đều có diễn biến rất tích cực. Thế nhưng lực bán xuất hiện đẩy chỉ số này lùi lại. Đến đầu giờ chiều, VN-Index lại bùng nổ.
Tuy nhiên, khi mà nhiều người tưởng như VN-Index có thể kết thúc phiên với ít nhất 10 điểm tăng thêm, đạt trên 940 điểm thì chỉ trong ít phút cuối phiên, lực bán lại tung ra ào ạt và đẩy giá cổ phiếu giảm trở lại.
Diễn biến của cổ phiếu MBB trong phiên ngày 23/7 là một ví dụ điển hình. Cổ phiếu này mở cửa đã giảm từ 23.300 đồng/cổ phiếu xuống 22.850 đồng/cổ phiếu, nhưng sau đó đã có lúc tăng lên đến 23.750 đồng/cổ phiếu. Giả định, những ai mua khoảng 10.000 MBB với giá thấp thì khi giá lên cao sẽ cảm thấy phấn khởi vì thu lãi về gần chục triệu đồng. Tuy nhiên niềm vui ngắn chẳng tày gang vì đến cuối phiên lực cung hàng mạnh, cũng có thể là lượng cổ phiếu chốt lãi từ những phiên trước, đã khiến MBB giảm trở lại 22.850 đồng/cổ phiếu.
Trường hợp của VJC trong phiên 20/7 thậm chí còn sốc hơn. Cổ phiếu này mở cửa phiên giảm 9.000 đồng xuống 131.000 đồng/cổ phiếu, sau đó lại nhanh chóng tăng lên gần 143.000 đồng/cổ phiếu, để rồi đến cuối phiên lại giảm xuống 131.000 đồng/cổ phiếu. Do nằm trong nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn nên việc sụt giảm của VJC cũng tác động một phần đến diễn biến của VN-Index.
Trong phiên này, còn có thêm cổ phiếu có vốn hóa lớn khác là SAB thậm chí đã giảm sàn từ 215.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 200.000 đồng/cổ phiếu. Vì lẽ đó VN-Index trong phiên này cũng mất hơn 10 điểm để giảm xuống còn hơn 933 điểm.
Tìm những điểm sáng
Một chi tiết khá thú vị ở đây là mặc dù thị trường chung cũng như từng cổ phiếu có những biến động rất khó lường, nhưng thanh khoản lại có sự cải thiện thực sự. 5 phiên biến động mạnh, về lý mà nói có thể khiến nhà đầu tư cảm thấy hoang mang, thậm chí tiền có thể chuyển sang phái sinh, nhưng trong thực tế lại ghi nhận giá trị khớp lệnh tại HoSE vẫn đạt trên dưới 3.500 tỷ đồng/phiên.
Cũng cần lưu ý, khi VN-Index hồi phục từ 890 điểm thì nhiều ý kiến cho rằng vùng 930 điểm của chỉ số này sẽ bị thử thách rất mạnh, có thể tạm gọi là vùng đỉnh ngắn hạn. Nhưng ngay tại vùng này lực cầu vẫn đang tốt lại cho thấy tâm lý tích cực của nhiều nhà đầu tư, mà ở đây là dòng tiền lớn đã thực sự quay trở lại thị trường khi nhiều cổ phiếu đã có mức giá rẻ.
Một thống kê cho thấy so với thời điểm VN-Index 890 điểm, giá của nhiều cổ phiếu tại vùng 930 điểm của VN-Index đã tăng 10-20% và nhà đầu tư hoàn toàn có thể chốt lãi mà không bị ép giá. Điều này cũng đồng nghĩa với việc dòng tiền đang tham gia thị trường nhìn về dài hạn nhiều hơn là ngắn hạn, bên cạnh đó, kỳ vọng kết quả kinh doanh cũng tạo sự hưng phấn cho nhà đầu tư.
Trước mắt, có thể nhìn thấy VN-Index đang chịu những thử thách rất lớn tại vùng 930-940 điểm. Điển hình như phiên 24/7, đã có lúc chỉ số này giảm xuống chỉ còn hơn 926 điểm, nhưng cuối phiên đã kịp vượt lên trên mốc này. Ngay từ đầu giờ phiên 25/7, chỉ số này cũng nhanh chóng bật tăng trở lại sau khi đã biến động mạnh trước đó.
Nhiều khả năng, nếu VN-Index có thể duy trì được trên ngưỡng 930 điểm thêm 2 phiên nữa thì những cái đích tiếp theo như 950 điểm hay 980 điểm sẽ được kỳ vọng nhiều hơn. Khoảng thời gian hiện nay cũng là mùa cao điểm của báo cáo tài chính quý II/2018 sẽ được công bố cùng với đó là những nhận định, khuyến nghị mua/bán/giữ được đưa ra.
Tuy nhiên, kỳ vọng tổng quan về kết quả kinh doanh sẽ không còn trên diện rộng nữa khi báo cáo tài chính được công bố sẽ có những ngành không được như kỳ vọng hoặc vượt kỳ vọng, đơn cử như nhóm chứng khoán, mặc dù lãi từ môi giới rất lớn nhưng lại bị ảnh hưởng bởi hoạt động tự doanh. Lúc này, dòng tiền sẽ tập trung vào một nhóm cổ phiếu chủ lực và thị trường sẽ có nhiều sự phân hóa, chọn lọc khác nhau.