Kỳ cuối: Giải tỏa điểm nghẽn, cách nào?
Nâng tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức
6 tháng đầu năm 2018, theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 98,34% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường, trong khi nhà đầu tư tổ chức trong nước chỉ chiếm 1,54% (tập trung chủ yếu vào hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán) và nhà đầu tư nước ngoài chỉ là 0,12%…
Thực tế này “đi ngược” với nhiều nước, khi trên thị trường chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư tổ chức thường chiếm tỷ lệ áp đảo cả về khối lượng cũng như giá trị giao dịch…
Ý kiến từ giới chuyên gia cho rằng, việc thanh khoản của thị trường phái sinh quá phụ thuộc vào nhà đầu tư cá nhân sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của thị trường này, bởi “sức bền” của nhóm nhà đầu tư này trước những biến động lớn là không cao.
Bởi vậy, bài toán thu hút nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước tham gia thị trường phái sinh đang đặt ra bức thiết, trong đó cần tập trung thu hút 3 nhóm nhà đầu tư tổ chức, đó là các tổ chức đầu tư nước ngoài, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ trong nước và các ngân hàng thương mại.
Với các tổ chức đầu tư nước ngoài, điều mà nhóm này mong đợi là các cơ quản lý như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) hoàn thiện hệ thống quy định pháp lý về thị trường chứng khoán phái sinh bằng ngôn ngữ tiếng Anh một cách chính thống.
Điều này giúp họ yên tâm tham gia thị trường, cũng như được bảo vệ trước các rủi ro khi phát sinh tranh chấp. Một khi quy định pháp lý rõ ràng, dễ hiểu, dễ tiếp cận, sẽ giúp nhà đầu tư nhanh chóng đưa ra quyết định đầu tư, thay vì mất nhiều thời gian cũng như chi phí cho việc chờ đợi khắc phục những “điểm nghẽn”.
Với nhà đầu tư tổ chức là các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ trong nước, theo lãnh đạo một công ty quản lý quỹ, điều họ mong đợi là thị trường chứng khoán phái sinh cần sớm thể hiện rõ nét là công cụ phòng vệ rủi ro cho danh mục đầu tư của họ.
Khác với đa phần nhà đầu tư cá nhân chủ yếu giao dịch ngắn hạn để đầu cơ kiếm lời, các tổ chức kinh doanh chứng khoán thường không coi phái sinh là công cụ kiếm lời trong ngắn hạn, mà họ muốn nó trở thành công cụ phòng vệ rủi ro hữu hiệu. Khi tính năng này được phát huy rõ rệt thì sẽ thu hút ngày một nhiều quỹ đầu tư tham gia thị trường phái sinh trong thời gian tới.
Với nhà đầu tư tổ chức là khối ngân hàng thương mại, cũng cần có những giải pháp để họ tham gia thị trường phái sinh, nhất là trong bối cảnh HNX dự kiến trong quý III này sẽ triển khai thêm một sản phẩm phái sinh mới là hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ.
Là nhóm nhà đầu tư hiện nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ áp đảo trên thị trường, các ngân hàng thương mại được nhìn nhận là có nhu cầu cao trong việc tham gia thị trường phái sinh nhằm có thêm công cụ phòng vệ rủi ro.
Việc sớm hoàn thiện các khâu chuẩn bị để mở đường cho các ngân hàng thương mại tham gia thị trường phái sinh sẽ mang lại tác động tích cực đa chiều. Theo đó, cùng với triển vọng cải thiện thanh khoản cho thị trường, điều quan trọng hơn khi nhóm nhà đầu tư này được tham thị trường phái sinh là gia tăng tính chuyên nghiệp và giúp thị trường phát triển theo chiều sâu, khắc phục những hạn chế, rủi ro khi quá phụ thuộc vào nhà đầu tư cá nhân như hiện tại…
Cần sớm đa dạng hóa sản phẩm
Hiện có một bộ chỉ số là VN30 làm tài sản cơ sở cho phát triển các sản phẩm phái sinh, theo nhìn nhận của các chuyên gia, đang gây nên những quan ngại, thậm chí tiềm ẩn rủi ro bởi sự lệ thuộc vào chỉ số này, nhất là thời gian gần đây xuất hiện những nghi ngờ về biểu hiện thao túng giá trên thị trường phái sinh.
“Việc nhà đầu tư chỉ tập trung giao dịch các sản phẩm dựa trên một chỉ số, có lý do để quan ngại về nguy cơ tác động lên chỉ số cơ sở, dẫn đến những nghi vấn về dấu hiệu thao túng giá. Nếu thị trường có nhiều hơn các bộ chỉ số làm tài sản cơ sở, từ đó giúp đa dạng các sản phẩm phái sinh, thì sẽ phân tán mức độ tập trung giao dịch của nhà đầu tư, đồng thời rủi ro về nguy cơ tác động lên chỉ số cơ sở để thao túng giá cũng ít có khả năng xảy ra hơn…”, một brocker (môi giới chứng khoán) có kinh nghiệm chia sẻ.
Được biết, thời gian qua, HNX dự tính hợp tác với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) nhằm thống nhất nguyên tắc xây dựng chỉ số VNX200 làm cơ sở cho triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số này. Một lãnh đạo HNX cho biết, VNX200 được kỳ vọng sẽ tập hợp các mã chứng khoán tiêu biểu cho toàn thị trường chứng khoán Việt Nam, với độ rộng của lượng lớn mã chứng khoán thuộc nhóm doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn, sẽ giảm thiểu nguy cơ tác động “chủ ý” lên chỉ số này, từ đó ảnh hưởng lên thị trường cơ sở…
Dự định xây dựng chỉ số VNX200 đã được ấp ủ trong thời gian khá dài, nhưng hiện vẫn chưa rõ bao giờ mới áp dụng trên thực tế. Đó là câu hỏi nhiều nhà đầu tư cần HNX trả lời.
Khắc phục những điểm “vênh”
Sau gần một năm đi vào vận hành, qua thực tiễn tham gia thị trường, lãnh đạo một công ty chứng khoán nhìn nhận, các quy định về hạch toán giao dịch chứng khoán phái sinh ở Việt Nam đang có những điểm “vênh” so với thị trường các nước.
“Chính cách hiểu không thống nhất, không đúng bản chất về kỹ thuật hạch toán lỗ – lãi giữa các công ty chứng khoán thành viên và nhà quản lý, nhà vận hành thị trường đang làm ảnh hưởng đến tính hấp dẫn và minh bạch của thị trường phái sinh”, vị này nhấn mạnh.
Theo vị lãnh đạo trên, cơ quan quản lý, nhà vận hành thị trường cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế để sớm có giải pháp xử lý tình trạng này, qua đó xác định hợp lý nghĩa vụ thuế, phí, thậm chí tạo ra cơ chế ưu đãi để khuyến khích các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, tham gia thị trường phái sinh.
Đặc biệt, cần tạo ra sự thông thoáng trong kết nối giữa ngân hàng lưu ký và công ty chứng khoán để dễ dàng cho nhà đầu tư ngoại khi có nhu cầu giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam.