Trong một thời gian khá dài, nhà đầu tư Việt Nam đã chịu nhiều tổn thất do giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh. Trong bối cảnh hiện nay, thị trường rất cần có những công cụ hữu hiệu để giúp nhà đầu tư quản lý rủi ro và bảo toàn giá trị các danh mục đầu tư. Chứng khoán phái sinh là một trong số đó.
Vì vậy, Đề án Thị trường chứng khoán phái sinh đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thuộc Bộ Tài chính gấp rút nghiên cứu xây dựng. Tuy nhiên, một thị trường chứng khoán phái sinh ra đời trong lúc thị trường cơ sở còn chưa hoàn thiện là điều cần cân nhắc. NCĐT đã trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, về vấn đề này.
Ông có thể cho biết những lợi ích mà giao dịch chứng khoán phái sinh mang lại cho nhà đầu tư?
Việc hình thành thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam xuất phát từ nhu cầu thực tế. Thông thường, khi thị trường chứng khoán cơ sở phát triển ở một mức độ nhất định nào đó thì sẽ xuất hiện nhu cầu hình thành các sản phẩm phòng vệ nhằm bảo hiểm rủi ro cũng như làm gia tăng lợi tức đầu tư cho các nhà đầu tư như quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai. Đây chính là các sản phẩm phái sinh, xuất phát từ các công cụ gốc là các chứng khoán cơ sở và sẽ hình thành nhu cầu thị trường để giao dịch các sản phẩm này. Đó là cơ sở để thị trường chứng khoán phái sinh ra đời.
Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã manh nha hình thành những sản phẩm như quyền mua cổ phần, quyền chọn, các giao dịch chỉ số… Đó là các sản phẩm phái sinh. Tuy nhiên, để xây dựng một thị trường phái sinh được chuẩn hóa, đòi hỏi phải mất nhiều thời gian từ khâu xây dựng khung pháp lý, thể chế, hệ thống cho đến công nghệ và đặc biệt là quản trị, vì đây là một thị trường phức tạp và rủi ro đối với cả nhà quản lý lẫn người tham gia thị trường.
Những nội dung cơ bản mà Đề án Thị trường chứng khoán phái sinh do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng là gì?
Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng Đề án Thị trường chứng khoán phái sinh. Theo dự kiến, đề án này sẽ được xây dựng và trình Chính phủ trong năm 2012. Việc xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh gắn liền với đề án tái cấu trúc thị trường và nằm trong tổng thể Đề án Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011-2020.
Ngoài việc hình thành sản phẩm giao dịch (hàng hóa), cần xây dựng một cơ chế giao dịch, thanh toán bù trừ đối tác trung tâm (CCP), cơ chế công bố thông tin, bảo hiểm rủi ro và quản trị rủi ro dựa trên cơ chế giám sát việc thao túng giữa thị trường phái sinh với thị trường cơ sở.
Việc xây dựng và quản lý vận hành thị trường phái sinh khá phức tạp chứ không đơn giản như thị trường cơ sở, đơn cử như hoạt động thanh toán bù trừ. Đối với thị trường chứng khoán cơ sở, chúng ta có thể sử dụng hệ thống đăng ký, lưu ký như Trung tâm Lưu ký Chứng khoán hiện nay, nhưng đối với thị trường phái sinh, bắt buộc phải có hệ thống CCP và cơ chế xử lý thiếu hụt chứng khoán trong thanh toán bù trừ gắn liền với hệ thống thanh toán bằng chứng khoán vật chất hay bằng tiền.
Đây là những vấn đề mà Đề án cần giải quyết và cũng nằm trong lộ trình xây dựng chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
Cơ quan quản lý có lựa chọn một mô hình thị trường phái sinh cụ thể của quốc gia nào hay không?
Việc lựa chọn mô hình cho thị trường chứng khoán phái sinh là một trong những nội dung trọng tâm của Đề án. Chúng tôi đang xem xét nghiên cứu các mô hình thị trường mới nổi của các quốc gia trong khu vực để xác lập một mô hình cho Việt Nam, phù hợp với điều kiện và mức độ phát triển của thị trường cơ sở.
Chẳng hạn, xem xét thị trường phái sinh được xác lập theo mô hình nào: thị trường phái sinh được chuẩn hóa (thị trường có tổ chức) hay thị trường phái sinh OTC (thị trường phi tập trung), hoặc cả 2 mô hình cùng tồn tại song song.
Chúng tôi cũng phải cân nhắc nên đưa sản phẩm nào vào giao dịch đầu tiên. Theo thăm dò thị trường cũng như yêu cầu của thị trường, có thể trước mắt sản phẩm đầu tiên sẽ được đưa vào áp dụng là hợp đồng tương lai và các sản phẩm dựa trên chỉ số, sau đó có thể là các hợp đồng quyền chọn.
Về hệ thống công nghệ thông tin, theo thông lệ quốc tế, chúng ta phải dựa trên những tiêu chuẩn về phần mềm hệ thống giao dịch, thanh toán bù trừ và cơ chế chuyển giao. Vì vậy, việc đầu tư cho hệ thống công nghệ cần phải được đặt ra khi lựa chọn một nhà thầu cung cấp quốc tế gắn liền với một mô hình thị trường phái sinh mà chúng ta cần hướng đến.
Chưa thể nói Việt Nam sẽ lựa chọn mô hình thị trường phái sinh của nước nào. Chúng ta đang đầu tư xây dựng một gói thầu về công nghệ thông tin khá hiện đại cho thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó cấu phần về thị trường phái sinh cũng được xem xét.
Có thể nói trình độ đầu tư cũng như mức độ chịu đựng rủi ro của các nhà đầu tư Việt Nam còn kém xa so với các nhà đầu tư nước ngoài. Vậy khi đưa các công cụ chứng khoán phái sinh vào Việt Nam, cơ quan quản lý đã tiên lượng hết các rủi ro sẽ xảy ra cho nhà đầu tư hay không?
Thị trường phái sinh là thị trường chứng khoán bậc cao và vận hành dựa trên nền tảng các công cụ phòng vệ mang tính đòn bẩy. Vì vậy, theo thông lệ các nước, thị trường phái sinh phát triển rất muộn so với thị trường cơ sở. Đặc biệt, thị trường phái sinh là thị trường dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính, cũng như sự hiểu biết và mức độ chấp nhận rủi ro cao hơn các nhà đầu tư trên thị trường cơ sở.
Đây là điều đáng quan ngại cho thị trường Việt Nam vì phần lớn nhà đầu tư Việt Nam đều ưa thích mạo hiểm nhưng mức độ chấp nhận rủi ro lại rất thấp. Đặc biệt, thị trường phái sinh Việt Nam hình thành trong bối cảnh các sản phẩm cơ bản của thị trường cơ sở chưa đầy đủ, hoàn thiện.
Trên thế giới, khi thị trường chứng khoán cơ sở phát triển ở mức độ khá cao và hoạt động bán khống, giao dịch ký quỹ, mua bán trong ngày đã được triển khai thì lúc đó cơ quan quản lý thị trường mới cho phép giao dịch phái sinh.
Trong điều kiện Việt Nam, thị trường cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế, nên việc phát triển thị trường phái sinh cần phải được cân nhắc để lựa chọn công cụ hợp lý cũng như cơ chế để tránh rủi ro.
Thị trường chứng khoán phái sinh là thị trường dễ bị thao túng. Một số nhà đầu tư có thể thông qua thị trường này để thao túng giá chứng khoán trên thị trường cơ sở hoặc ngược lại. Cơ quan quản lý sẽ điều hành và giám sát thị trường phái sinh như thế nào?
Đúng vậy, một vấn đề đặt ra đối với những nhà quản lý thị trường là xem xét sự tương quan giữa thị trường chứng khoán cơ sở với thị trường phái sinh, vì sự biến động trên thị trường này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường kia và ngược lại. Do đó, nếu không có một cơ chế kiểm soát tốt thì sẽ dẫn đến việc thao túng giữa các thị trường với nhau, dẫn đến sự sụp đổ của các thị trường.
Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhiều quốc gia đã tạm dừng các thị trường chứng khoán phái sinh. Mới đây, khi xảy ra tình trạng nợ công nghiêm trọng ở các quốc gia châu Âu, cơ quan quản lý thị trường cũng đã tạm dừng giao dịch các chứng khoán phái sinh tài chính.
Để phòng ngừa thao túng giá, hệ thống giám sát thị trường phái sinh và hệ thống kết nối giữa 2 thị trường (phái sinh và cơ sở) phải có khả năng phát hiện và ngăn chặn nguy cơ này.
Ngoài ra, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác. Đó là thực hiện biên độ giá cho các hợp đồng phái sinh trên thị trường phái sinh; áp dụng cơ chế ngắt mạch thị trường trên thị trường cơ sở (khi giá chứng khoán cơ sở dao động mạnh thì có thể tạm ngưng giao dịch; việc tạm ngưng giao dịch chứng khoán cơ sở sẽ kéo theo sự tạm ngưng giao dịch đối với các sản phẩm phái sinh liên quan). Và áp dụng cả giới hạn vị thế giao dịch (mỗi nhà đầu tư chỉ được nắm giữ một lượng nhất định sản phẩm phái sinh).
Để hạn chế rủi ro mất khả năng thanh toán, cũng cần xây dựng hệ thống CCP cho hệ thống thanh toán; quy định về ký quỹ giao dịch (gồm 2 cấp: ở cấp 1, nhà đầu tư ký quỹ với công ty chứng khoán và ở cấp 2, công ty chứng khoán ký quỹ với hệ thống CCP); quy định quỹ đảm bảo thanh toán và quỹ bồi thường thiệt hại.