Tuy nhiên, cho tới tháng 4/2018, khi các quy định mới trên thị trường phái sinh được ban hành, không ít thành viên đặt ra câu hỏi, liệu SEBI có đang “bao bọc” quá đà các nhà đầu tư nhỏ?
Ấn Độ: Muốn tham gia sàn phái sinh, nhà đầu tư phải xuất trình kê khai thuế
TTCK Ấn Độ từng là nạn nhân của tình trạng tăng trưởng lệch lạc trong những năm gần đây, với khối lượng giao dịch phái sinh cao gấp 15 lần trên thị trường chứng khoán cơ sở. Tài liệu được công bố cuối năm 2017 của SEBI cho thấy, khối lượng giao dịch phái sinh tăng gấp 9 lần trong 10 năm qua, trong khi con số này tại thị trường chứng khoán cơ sở chưa tới 2 lần.
Đáng chú ý, sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ tại thị trường hợp đồng tương lai và quyền chọn rất cao (hơn 25%), trong khi đa số không để tâm hoặc không hiểu rõ những giao dịch nhiều rủi ro này.
Nắm rõ hiện trạng kể trên, các nhà quản lý đã đưa ra nhiều giải pháp để cân bằng sự phát triển của thị trường, bao gồm: Nâng cao yêu cầu quản lý và vốn đối với các thành viên tham gia thị trường phái sinh, đặt tiêu chuẩn cao đối với cổ phiếu có mặt tại các sản phẩm hợp đồng tương lai và quyền chọn, áp dụng quy tắc thanh lý dựa trên tài sản (physical settlement), mở rộng thị trường sơ cấp…
Tuy nhiên, sau khi áp dụng các biện pháp chọn lọc kể trên, đầu tháng 4/2018, SEBI đã quyết định khép bớt cửa thị trường phái sinh với nhà đầu tư cá nhân, với các quy định mới khắc nghiệt hơn. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân tham gia giao dịch tương lai và quyền chọn phải công bố tờ đơn kê khai thuế thu nhập cá nhân cho nhà môi giới, để chuyên gia có thể xác định rủi ro và đưa ra lựa chọn phù hợp với sức khỏe tài chính của nhà đầu tư. Hành động này được xem như tín hiệu “đừng tham gia thị trường phái sinh” của cơ quan quản lý đối với nhà đầu tư cá nhân.
Rào cản: Những phản ứng từ thị trường
Quy định của SEBI ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ phía nhà đầu tư, cũng như các chuyên gia. Một nhà đầu tư lâu năm chia sẻ: “Giao dịch tương lai và quyền chọn là công việc chuyên nghiệp của tôi. Tôi chọn nó thay vì làm luật sư, kế toán hay kinh doanh. Tôi nhận thức rõ việc mình có thể thua lỗ và đầu tư luôn có rủi ro, nhưng chẳng phải mọi doanh nhân đều chấp nhận rủi ro hay sao?”.
Trong khi đó, một nhà đầu tư khác cho rằng: “Tại sao mức tiền đóng thuế thu nhập lại thể hiện khả năng của một nhà đầu tư? Tôi làm kế toán và đã tự giao dịch bằng tiền của mình trong 5 năm qua. Mỗi năm tôi kiếm khoảng 50 vạn rupi. Chẳng lẽ vì vậy tôi lại thiếu năng lực tham gia giao dịch phái sinh hơn so với một người bán bán hàng có thu nhập mỗi năm khoảng 10 triệu rupi? Hãy tiến hành bài kiểm tra năng lực và mọi thứ sẽ rõ ràng”.
Cuộc tranh luận cũng đến trong giới chuyên gia. Tejas Khoday, người đồng sáng lập và CEO FYERS cho rằng, nếu SEBI muốn cảnh báo nhà đầu tư thiếu năng lực về các rủi ro trên thị trường phái sinh, có nhiều cách can thiệp ít thô bạo hơn. Trong đó có thể kể tới việc tiến hành bài kiểm tra kiến thức, yêu cầu kinh nghiệm giao dịch tại thị trường chứng khoán cơ sở, hoặc yêu cầu nhà đầu tư tuyên bố tự chịu trách nhiệm về điều kiện tham gia thị trường.
Tuy nhiên, trên hết, mọi kiến thức về thị trường và kỹ năng giao dịch không nằm trên sách vở hay thể hiện ở số tiền nhà đầu tư đang có. Nhà đầu tư phải được trải nghiệm từ sự tham gia thực tế trên sàn. Đối với việc phát triển thị trường một cách bền vững cũng vậy, SEBI có thể nỗ lực mở rộng, phát triển hơn nữa thị trường cơ sở để bắt kịp với thị trường phái sinh, thay vì kìm hãm lại để đợi chứng khoán cơ sở.
SEBI mong muốn bảo vệ những nhà đầu tư cá nhân – đối tượng dễ bị tổn thương nhất, nhưng các chuyên gia lại cho rằng, việc đưa ra bất kỳ rào cản nào đều dẫn tới 2 vấn đề tiêu cực. Thứ nhất, rào cản làm tổn thương động lực tăng trưởng của thị trường, làm thoái chí các nhà đầu tư lớn trên toàn cầu tham gia thị trường Ấn Độ. Thứ hai, quan trọng hơn, rào cản sẽ ngăn cản nhà đầu tư cá nhân trưởng thành, bằng cách không cho phép họ thử nghiệm và phạm sai lầm. Hãy hỏi các tỷ phú trên toàn cầu, trong đó có Rakesh Jhunjunwala tại sao họ lại có được ngày hôm nay? Câu trả lời là mọi thứ họ học được đều đến từ trải nghiệm trên thị trường, thay vì trường học.