Mặc dù thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) Việt Nam đã có bước khởi đầu thành công với sự tăng trưởng khá ấn tượng, thậm chí có phần vượt ngoài kỳ vọng của cơ quan quản lý cũng như các tổ chức vận hành thị trường, nhưng theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường chứng khoán phái sinh (CKPS) vẫn còn một số hạn chế nhất định.
Cụ thể, thị trường hiện mới chỉ có sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số được đưa vào giao dịch; số lượng nhà đầu tư (NĐT) tham gia thị trường khá lớn nhưng chủ yếu là NĐT cá nhân (chiếm hơn 99%), số lượng NĐT tổ chức tham gia thị trường còn rất ít, mới chỉ có 98 NĐT (trong đó tổ chức trong nước 88 và tổ chức nước ngoài là 10).
Trong khi tại các thị trường phát triển, NĐT tổ chức đóng vai trò chủ đạo; hoạt động giao dịch trên thị trường còn thiên về mục đích tìm kiếm lợi nhuận trong ngày khi khối lượng mở thấp hơn khá nhiều so với số lượng hợp đồng giao dịch trong ngày. Một số cơ chế về giá dịch vụ, chế độ kế toán cho thị trường đang tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện; công tác giám sát thị trường, trong đó có hoạt động giám sát giao dịch CKPS cần được tiếp tục đổi mới nâng cao tính hiệu quả trong giai đoạn phát triển mới.
Bên cạnh đó, thị trường tuy có sự tăng trưởng nhanh nhưng hiện tại mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu phòng vệ rủi ro và đầu tư của thị trường, quy mô còn nhỏ khi so sánh với TTCK cơ sở trên một số chỉ tiêu chính như số lượng NĐT, nhất là các NĐT tổ chức trong và ngoài nước đã tham gia thị trường cơ sở; giá trị tài sản ký quỹ trên TTCKPS trong thời gian gần đây dao động quanh mức 1.500 tỷ đồng (tương đương khoảng 70 triệu USD), giá trị giao dịch danh nghĩa thời điểm cao nhất lên tới hơn 14.000 tỷ đồng (tương đương hơn 600 triệu USD), khá nhỏ so với giá trị vốn hóa của TTCK cơ sở hiện nay (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp) vào khoảng hơn 90% GDP năm 2017 (tương đương khoảng hơn 200 tỷ USD)…
Song theo VSD, sau 1 năm hoạt động, TTCKPS đã cho thấy có nhiều điểm sáng được ghi nhận. Trong đó điểm nổi bật nhất là đã được vận hành an toàn, thông suốt và đạt được sự tăng trưởng mạnh trên tất cả các chỉ tiêu. Từ chỗ ban đầu khi mở cửa thị trường chỉ có 7 công ty chứng khoán tham gia, đến nay đã có 9 công ty được cấp phép hoạt động kinh doanh chứng khoán và bù trừ thanh toán CKPS.
Bên cạnh đó, số lượng NĐT cũng tăng lên đáng kể, từ hơn 2.000 NĐT ban đầu đến nay đã có trên 39.000 NĐT đăng ký mở tài khoản tham gia thị trường. Khối lượng và giá trị giao dịch trung bình hàng ngày đạt trên 39.000 hợp đồng tương ứng giá trị là trên 3.700 tỷ đồng tính từ khi mở cửa thị trường đến ngày 1/8/2018; số lượng vị thế mở đến nay là 18.255 hợp đồng; giá trị thanh toán lãi/lỗ bình quân hàng ngày chỉ trên 8 tỷ đồng do VSD thực hiện cơ chế bù trừ ròng đa phương trên các tài khoản.
Theo ông Dương Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc VSD, có được kết quả này là do công tác tổ chức vận hành hoạt động của thị trường với sự tham gia và phối hợp giữa các đơn vị là VSD và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với các thành viên giao dịch, thành viên bù trừ và ngân hàng thanh toán VietinBank đã được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả giúp cho các hoạt động của thị trường diễn ra an toàn; công tác quản lý rủi ro, nhất là rủi ro thanh toán đã được thực hiện tốt, qua đó không để xảy ra các trường hợp NĐT, thành viên mất khả năng thanh toán.
Với mục tiêu xây dựng TTCKPS an toàn, bền vững theo kế hoạch của cơ quan quản lý, ông Dương Ngọc Tuấn cho biết, VSD xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được Trung tâm phối hợp với các bên liên quan thực hiện trong giai đoạn thời gian tới trên cơ sở thực hiện các giải pháp đồng bộ.
Theo đó, VSD sẽ bám sát lộ trình phát triển thị trường theo Đề án xây dựng và phát triển TTCKPS đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo lộ trình phát triển sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp, đảm bảo khả năng quản lý và giám sát các rủi ro trên thị trường.
Để thực hiện nhiệm vụ này, trong thời gian tới, ngoài sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số hiện có, sẽ có thêm các sản phẩm mới là hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ, hợp đồng tương lai chỉ số mới, Hợp đồng quyền chọn dựa trên các sản phẩm chứng khoán cơ sở được nghiên cứu đưa vào triển khai nhắm đa dạng hoá sản phẩm đầu tư trên thị trường.
Cùng với đó, VSD sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đáp ứng cho việc triển khai các sản phẩm mới khi đưa vào giao dịch trên thị trường; tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong việc giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm, đặc biệt là các hành vi thao túng giá hoặc có nguy cơ dẫn đến mất khả năng thanh toán cho thị trường, đảm bảo sự phát triển ổn định và vững mạnh của thị trường.
Ngoài ra, VSD cũng sẽ phát triển cơ sở NĐT cân bằng hơn theo hướng khuyến khích sự tham gia của NĐT tổ chức, nhất là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp đồng thời nâng cao yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm của NĐT cá nhân khi tham gia vào thị trường thông qua việc bổ sung tăng cường các khóa đào tạo, cấp chứng chỉ có kết hợp giữa lý thuyết với thực hành như nhiều thị trường đã áp dụng.
“Thành công của TTCKPS Việt Nam một năm qua đã chứng minh chủ trương đúng đắn của cơ quan quản lý cũng như giá trị của tinh thần đoàn kết và hợp tác chặt chẽ giữa các chủ thể tham gia thị trường. Bước sang giai đoạn phát triển tiếp theo, với mục tiêu xây dựng một thị trường tăng trưởng an toàn, bền vững, dựa trên khởi đầu tốt đẹp của thị trường, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào việc thực hiện thành công nhiệm vụ này”, ông Dương Ngọc Tuấn cho hay.