VnEconomy giới thiệu nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường ngày 25/6.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/6, VN-Index tăng 3,82 điểm lên 569,74 điểm. Tương tự, HNX-Index cũng hồi phục nhẹ 0,64 điểm lên 76,62 điểm.
Sẽ có sự phân hóa giữ các dòng cổ phiếu
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC)
“Thị trường vẫn đang vận động giằng co trong giai đoạn thiếu vắng các thông tin hỗ trợ đủ mạnh để tạo điểm bứt phá. Triển vọng kết quả kinh doanh quý 2 đã phần nào được phản ánh vào diễn biến giá cổ phiếu và sẽ tiếp tục tạo ra diễn biến phân hóa giữa các dòng cổ phiếu. Chúng tôi cho rằng giai đoạn hiện tại phù hợp hơn cho các quyết định đầu tư trung hạn dựa trên yếu tố cơ bản của doanh nghiệp”.
Tập trung chiến thuận mua thấp – bán cao
(Công ty Cổ phần Chứng khoán MB – MBS)
“Về mặt kỹ thuật, cả 2 chỉ số vẫn tiếp tục bị kẹp giữa các ngưỡng kháng cự và hỗ trợ khá gần nhau. Do vậy, xu hướng chung của VN-Index trong ngắn hạn vẫn là dao động đi ngang với biên độ hẹp quanh vùng 555-575.
Chúng tôi tiếp tục giữ khuyến nghị tập trung vào các cổ phiếu có cơ bản tốt và thông tin tích cực về kết quả quý 2 với chiến thuật giao dịch ngắn hạn mua thấp – bán cao”.
Duy trì xu hướng tăng ngắn hạn
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt – VCSC)
“Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể kiểm định lại các mức kháng cự 570 của chỉ số VN-Index và 77.5 của chỉ số HNX-Index trong phiên giao dịch ngày mai, và đây là phiên giao dịch rất quan trọng để xác nhận xu hướng rõ ràng hơn. Điểm tích cực nhất chúng tôi nhận thấy là dòng tiền đầu cơ đã có dấu hiệu gia tăng trở lại và tiếp tục gia tăng trong phiên giao dịch ngày mai thì nhiều khả năng nhịp điều chỉnh đã có dấu hiệu kết thúc.
Đồng thời, hệ thống chỉ báo xu hướng của chúng tôi vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và giữ nguyên mức cắt lỗ ở mức 558 của chỉ số VN-Index và 74.67 của chỉ số HNX-Index.
Do đó, các nhà đầu tư chưa nên mở lại vị thế mua hoặc hạn chế mua đuổi tại các vùng kháng cự khi điểm bứt phá các mức kháng cự chưa được xác nhận và vẫn nên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng khi xu hướng tăng ngắn hạn vẫn được bảo lưu”.
Dòng tiền vẫn đang đứng ngoài quan sát
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Đầu tư Việt Nam – IVS)
“Đã xuất hiện một vài thông tin trước phiên này như chỉ số CPI tháng 6 tăng nhẹ 0,3% so với tháng 3 và tăng 1,38% so với tháng 12/2013, một mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Thông tin thứ 2 là kỳ họp thứ 7 của Quốc hội đã chính thức bế mạc sau một thời gian rất dài và một thông tin khá nhậy cảm là giá xăng bất ngờ tăng lên thêm 330 đồng/lít/A92.
Tuy nhiên ở phiên giao dịch này mọi thứ vẫn khá giống phiên trước đó, một sự chậm chạp đến uể oải của thị trường đặc biệt là khối nhà đầu tư nội. Trong khi đó nhà đầu tư nước ngoài vẫn giao dịch khá tích cực với một phiên mua ròng nhẹ với giá trị khoảng 25 tỷ đồng nâng số phiên mua ròng liên tiếp lên con số 23.
Thị trường đang rất cần những dòng tiền, những cổ phiếu như vậy để thúc đẩy thanh khoản cũng như dòng tiền tham gia. Thực tế dòng tiền hiện nay vẫn đang đứng ngoài quan sát và chưa tham gia trở lại bởi vẫn có những lo ngại nhất định. Nếu thị trường có tín hiệu tích cực hơn thì dòng tiền sẽ tập trung vào những cổ phiếu được dự báo có kết quả kinh doanh quý 2 khả quan”.
Sẽ rung lắc nhẹ quanh ngưỡng 560-570
(Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT – FPTS)
“Trong hai phiên giao dịch đầu tuần mới thị trường đều tăng điểm với thanh khoản khá thấp, ngưỡng kỹ thuật 580 điểm là ngưỡng cản tương đối mạnh, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ cần thêm thời gian và xung lượng tích lũy mới có thể bật qua khỏi vùng này. Kịch bản điều chỉnh và rung lắc nhẹ quanh ngưỡng 560 – 570 khả năng sẽ là xu hướng chính trong những phiên giao dịch của tuần này khi các chỉ báo kỹ thuật đã bắt đầu cho tín hiệu nhiễu động, giằng co mạnh.
Chính vì vậy, giải pháp hợp lý ở thời điểm này là hạ dần tỷ trọng margin ở các mã đầu cơ, chuyển dần cơ cấu sang các mã cơ bản có triển vọng trong quý 2/2014 khi mùa báo cáo đang đến gần. Mức tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục được đề xuất là ở mức 40 – 50%”.