Chốt phiên 18/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1.338 điểm, tương đương 6,3%, xuống dưới ngưỡng 20.000 điểm. S&P 500 mất 131 điểm, tương đương 5,18%, còn 2.398 điểm, trong khi Nasdaq Composite giảm 4,7%, xuống còn 6.989 điểm.
Tính tới cuối phiên 18/3, chỉ số Dow Jones chỉ còn tăng 0,4% so với ngày 20/1/2017 – thời điểm Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Dù vậy, nếu xét khoảng thời gian dài hơn, khi Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 8/11/2016, chỉ số này vẫn tăng gần 9%.
S&P 500 hiện đã giảm khoảng 29% so với đỉnh ngày 19/2. Đà bán tháo do lo ngại đại dịch đã chấm dứt đợt tăng giá dài nhất lịch sử Wall Street.
Các biện pháp kích thích mạnh mẽ của Chính phủ Mỹ chỉ mang lại hy vọng nhất thời cho nhà đầu tư. Nỗi lo trở lại khi các dự báo tiếp tục tiêu cực hơn. Chuyên gia kinh tế của JP Morgan ước tính GDP kinh tế Mỹ có thể giảm 4% trong quý này và 14% quý tới. Tốc độ tăng trong cả năm 2020 có khả năng thu hẹp 1,5%.
Sắc đỏ gia tăng trong phiên hôm qua cũng kích hoạt công cụ ngắt mạch tạm thời của Sàn chứng khoán New York trong 15 phút đầu phiên, khi chỉ số chính giảm quá 7%. Đây là lần thứ 4 trong một tuần gần đây, công cụ ngắt mạch được kích hoạt.
“Thị trường đã biến động dữ đội, từ giai đoạn hứng khởi đầu tháng Hai đến thời điểm hiện tại – khi nhà đầu tư cảm thấy vô vọng về những gì đang diễn ra”, Wayne Wicker – Giám đốc đầu tư của Vantagepoint Investment Advisors cho biết.
Chủ sở hữu của Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) cũng thông báo sẽ tạm thời đóng cửa sàn giao dịch và chuyển hoàn toàn sang giao dịch điện tử từ thứ hai tuần sau. NYSE xác nhận một nhà giao dịch và một nhân viên đã dương tính với Covid-19, nhưng cũng cho biết hai người này không tham gia trực tiếp trên sàn giao dịch.
“Thị trường thực sự đang phản ứng với sự sợ hãi và không chắc chắn. Chúng tôi không nghĩ rằng có thể vượt qua cho đến khi nhìn thấy mức giá sàn cổ phiếu”, Nela Richardson – chiến lược gia đầu tư tại Edward Jones nói, “Chỉ có mức giá sàn mới có thể ngăn được ảnh hưởng”.
Minh Sơn (theo Reuters)