Ngoài ra, chỉ số Dow Jones kết thúc phiên dưới mức trung bình 200 ngày lần đầu tiên kể từ tháng 6/2016.
Hãng tin Reuters cho biết S&P 500 có lúc giảm tới 2% vào đầu phiên, sau khi có tin Bộ Tài chính Mỹ đang soạn thảo quy định mới nhằm không cho phép các doanh nghiệp có từ 25% cổ phần do Trung Quốc nắm giữ trở lên thâu tóm các công ty công nghệ Mỹ.
Sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói trên mạng xã hội Twitter rằng hạn chế mới sẽ áp dụng không chỉ riêng với Trung Quốc mà với “tất cả mọi quốc gia đang tìm cách đánh cắp công nghệ của chúng tôi”.
Các chỉ số chính ở Phố Wall chỉ thu hẹp mức giảm sau khi cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro phát tín hiệu mềm mỏng hơn về hạn chế đầu tư trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC. Các nhà đầu tư xem phát biểu của ông Navarro như một sự trấn an nhất định, nhưng vẫn cảm thấy bấp bênh về quan hệ thương mại giữa Mỹ với các đối tác.
“Xem qua thì tuyên bố đó có vẻ giúp ích, nhưng cũng cho thấy những tín hiệu trái chiều từ chính quyền. Bởi vậy mà tình hình vẫn chưa có gì sáng sủa cả”, ông Jim Awad, Giám đốc cấp cao của Hartland & Co ở New York, nhận định.
Cổ phiếu bị bán trên diện rộng, nhưng công nghệ là nhóm giảm nhiều nhất, khiến Nasdaq sụt hơn 2%. Nhóm công nghệ thuộc S&P 500 mất 2,3%, cú giảm mạnh nhất trong một ngày trong hơn 2 tháng. Nhóm cổ phiếu con chip giảm 3,1%.
Các nhà đầu tư càng thêm phần lo ngại sau khi hãng sản xuất mô-tô Harley-Davidson tuyên bố sẽ dời hoạt động sản xuất xe tại Mỹ để xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) sang các quốc gia khác để tránh bị EU đánh thuế cao. Harley-Davidson dự báo thuế quan của EU sẽ khiến công ty thiệt hại 90-100 triệu USD mỗi năm.
Cổ phiếu Harley-Davidson sụt 6% phiên này. Tuyên bố của hãng xe mô-tô từng được coi là một biểu tượng của văn hóa Mỹ làm dấy lên lo ngại về việc xung đột thương mại leo thang có thể dẫn tới động thái tương tự của các công ty khác, gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế Mỹ.
“Mọi người lo rằng sự leo thang những lời cảnh báo thương mại đang đẫn tới hậu quả thực sự”, chiến lược gia trưởng về đầu tư Brian Nick thuộc Nuveen ở New York phát biểu.
Lúc đóng cửa, Dow Jones mất 1,33%, còn 24.252,8 điểm. S&P 500 giảm 1,37%, còn 2.717,07 điểm. Nasdaq trượt 20,9%, còn 7.352,01 điểm.
Chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi của Phố Wall tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 1 tháng.
FANG, nhóm cổ phiếu các hãng công nghệ lớn nhất, đồng loạt giảm mạnh. Trong đó, cổ phiếu Facebook giảm 2,7%, Amazo.com mất 3,1%, Netflix sụt 6,5%, và Alphabet giảm 2,6%.
Campell Soup Co trở thành cổ phiếu có mức tăng điểm mạnh nhất trong S&P 500, tăng 9,4% sau khi có tin Kraft Heinz Co đang cân nhắc mua lại công ty này.
Trên sàn NYSE, số cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 3,29 lần số cổ phiếu tăng giá. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 3,24 lần.
Có tổng cộng 7,74 tỷ cổ phiếu được giao dịch ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 7,32 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.