Trong đó, rủi ro tỉ giá là vấn đề gây lo âu cho tất cả các DN niêm yết (DNNY), cũng như NĐT nước ngoài.
Một số NĐT cá nhân trên TTCK cũng cho rằng, việc đầu tư vào cổ phiếu lúc này là chuyện đánh bạc với tương lai, nếu so với gửi tiết kiệm, kể cả trong trường hợp lãi suất huy động giảm xuống 1 – 2 điểm phần trăm. Với các NĐT dài hạn, thì cổ tức của tất cả các DNNY không hề hấp dẫn nếu so với lãi suất NH.
Đầu tư gián tiếp : Cân nhắc rủi ro
Nếu các NĐT cá nhân chọn phương án bảo toàn vốn bằng cách gửi tiết kiệm, hoặc đầu tư sang vàng, thì các NĐT tổ chức và đặc biệt khối quản lý quỹ đầu tư nước ngoài lại lo ngại về tỉ giá. Nhưng theo PGS TS Trần Huy Hoàng -Trưởng khoa ngân hàng ĐH Kinh tế TP HCM, tác động của tỉ giá tới TTCK là không nhiều, và từ xưa đến nay mối liên thông giữa tỉ giá – chứng khoán không rõ nét, cũng chưa có một nghiên cứu nào xác thực mối liên thông này.
PGS Hoàng phân tích : Một trong những nguyên do khiến TTCK nằm trong tình trạng thu hẹp quy mô, chậm tăng trưởng hay nói rõ là suy thoái hiện nay, là các DNNY kinh doanh thất bát, cạn vốn, NĐT nước ngoài cũng đang ở thời điểm thoái vốn khiến thị trường thêm ảm đạm. Về mặt vĩ mô thì lạm phát chưa có dấu hiệu giảm, dòng tiền vẫn đang bị thắt chặt. Vì vậy, xét ở khía cạnh tỉ giá, các NĐT nước ngoài nếu thực sự đánh giá cao tiềm năng của TTCK VN, vẫn sẽ rót vốn bằng ngoại tệ và quy đổi ra VND để đầu tư. Vấn đề là khi thanh khoản trên TTCK quá kém và cổ tức phập phù, mức độ lợi nhuận đầu tư chứng khoán sẽ không đủ để bù đắp trượt giá của việc quy đổi này.
Có lẽ, sự e ngại của các NĐT NN còn nằm ở chỗ khi tỉ giá có nguy cơ biến động thì những khoản đầu tư của họ vào các DN VN cũng sẽ bị đe dọa. Bản thân việc nâng tỉ giá cũng gia tăng áp lực lạm phát, và các quỹ sẽ khó có cơ hội thuyết phục cổ đông của mình rót vốn vào thị trường VN.
Trao đổi với DĐDN, ông Ito Noritada – Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất nhập khẩu Osaka, Chủ tịch Cty Taiyo Corporation nói: bên cạnh những lo ngại về cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, trình độ nhân lực thì khi rót vốn đầu tư tại VN, phần đông các DN Nhật Bản không băn khoăn nhiều về vấn đề tỉ giá. Nguyên do là việc đầu tư trực tiếp bằng Yen vào VN của các DN Nhật sẽ được cân đối từ nguồn ngoại tệ đối ứng mà DN có thể thu được khi bán sản phẩm, hàng hóa ra thị trường quốc tế. Còn với các NĐT Nhật lựa chọn phương thức đầu tư gián tiếp vào TTCK, thông qua các quỹ đầu tư hoặc góp vốn vào DN, thì cũng phải cân nhắc vấn đề tỉ giá. Bởi cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trên TTCK VN hay trái phiếu của DNVN được định giá bằng nội tệ, chỉ có thanh khoản trên thị trường nội địa. Trong trường hợp muốn thoái vốn, điều chỉnh tỉ giá có thể gây thất thoát lớn cho NĐT nước ngoài.
Phân hóa nhóm ngành
Tương tự như các DN FDI, những DN có nguồn thu đối ứng từ hoạt động xuất khẩu mà không phải nhập khẩu nguyên vật liệu như DN nhóm ngành cao su, gạo, cà phê… sẽ không lo lắng nhiều về tỉ giá. Ngược lại, DN kinh doanh trong các lĩnh vực phải nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu, lại chỉ bán hàng trong thị trường nội địa như DN thép, thì rủi ro tỉ giá sẽ ảnh hưởng rất lớn đến họ. Do đó, NĐT hiện rất quan tâm đến các khoản vay ngoại tệ của DN. Các khoản vay đó đã được trích lập dự phòng rủi ro tỉ giá hợp lý hay chưa, DN đã minh bạch và chi tiết về các khoản nợ trên vốn chủ sở hữu, lượng hàng tồn kho, các khoản phải thu và các khoản nợ khó đòi…, để đánh giá sức hấp dẫn của cổ phiếu. Theo một chuyên gia thì không chỉ thép mà nhiều DN ngành nhựa, thủy sản, dệt may, gỗ… là những đối tượng kinh doanh phải nhập đến hơn 80% nguyên vật liệu và phụ gia, cũng sẽ phải chịu rủi ro tỉ giá.
Ông Hồ Đức Lam – Tổng giám đốc CTCP Nhựa Rạng Đông (Mã RDP-HoSE) cho biết, riêng với DN ngành nhựa, do đặc thù vừa xuất khẩu ra các thị trường quốc tế, vừa tiêu thụ trên thị trường nội địa, nên yếu tố tỉ giá sẽ tác động trực tiếp tới lợi nhuận, mặc dù nếu nhìn về doanh số có thể không có sự sụt giảm nào được ghi nhận. Với một số DN chỉ khai thác được thị trường nội địa thì sự sụt giảm doanh số lẫn lợi nhuận là tất yếu.
Nhờ sự ổn định tỉ giá và tăng giá nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế, việc phân hóa nhóm ngành từ tiêu chí rủi ro tỉ giá đang mang đến triển vọng hấp dẫn hơn đối với cổ phiểu các DN thuộc nhóm ngành xuất khẩu thuần nông, xuất khẩu thô. Tuy nhiên, ngay cả với những DN này, NĐT cũng cần phải chú ý đến tỉ trọng nhập khẩu đạm, phân bón, phụ gia chế biến sản phẩm, so với tỉ trọng nguồn thu xuất khẩu.
Có thể thấy với tình trạng khó khăn hiện tại của nền kinh tế VN và kinh tế thế giới, dòng tiền sẽ chỉ loanh quanh ở các kênh ngoại tệ và vàng. Những biện pháp kinh tế trước mắt và lâu dài để dòng tiền quay trở lại với trái phiếu, cổ phiếu và tiết kiệm, thay vì tích trữ ngoại tệ và vàng, sẽ là động lực để khơi dậy TTCK. Trong đó, nếu vấn đề tỉ giá tránh được những đột biến gây sốc, thì không chỉ gỡ bỏ được những e ngại về lợi nhuận của nhiều nhóm ngành kinh doanh, mà còn tăng cơ hội đột phá của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK hai quý cuối năm.