Thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay có một phiên cùng chiều với chứng khoán khu vực Châu Á khi các thị trường lớn tiếp tục nới rộng đà suy giảm của mình trong bối cảnh xáo trộn niềm tin ngày càng gia tăng do giá các hàng hóa cơ bản đang tuột dốc mạnh.
Chỉ số VN-Index chốt phiên cuối tuần để mất tới 8,96 điểm hay 1,99%, xuống 440,3 điểm với 36 mã giảm sàn/ 173 mã giảm so với 23 mã tăng trần/61 mã tăng. Trong đó, các mã lớn như MSN, VPL nằm sàn; các mã BVH, VIC cũng về dưới tham chiếu.
Giao dịch thỏa thuận trên HSX khá nhộn nhịp trong phiên khi có tới trên 10,3 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công, đóng góp tới gần ¼ thanh khoản toàn sàn. Trong đó ghi nhận 2 triệu đơn vị STB, 2 triệu đơn vị HQC, gần 1,5 triệu đơn vị EIB và chưa đầy 1,4 triệu đơn vị DLG. Thanh khoản phiên 23/9 trên HSX đạt hơn 43,8 triệu đơn vị tương ứng với giá trị 715,5 tỷ VND, là phiên có thanh khoản thấp nhất trong khoảng 3 tuần trở lại đây.
Trong khi đó, thanh khoản trên sàn HNX cũng xuống mức thấp nhất trong gần 1 tháng trở lại đây với 36,67 triệu đơn vị được trao tay thành công trong phiên này tương đương giá trị 417,06 tỷ VND. Chỉ số HNX-Index cũng không nằm ngoài nhịp điều chỉnh của thị trường khi giảm 0,86 điểm hay 1,14%, đóng cửa ở 74,58 điểm. Toàn sàn có 25 mã tăng trần/ 105 mã tăng so với 22 mã giảm sàn/150 mã giảm.
Tất cả các nhóm cổ phiếu chủ chốt đều cùng chiều đi xuống trong phiên này với nhóm cổ phiếu Du lịch và Giải trí, dẫn dắt bởi mã VPL, giảm mạnh nhất thị trường (-3,7%). Tiếp sau là nhóm Bảo hiểm (-3,2%) và Dầu khí (-2,6%). Đứng sau nhóm Thực phẩm và Đồ uống (-2,2%) là nhóm cổ phiếu Bất động sản (-2%).
Nếu so với con sóng hồi cuối tháng 5 – đầu tháng 6, khi VN-Index đi lên 6 phiên liên tục và tăng tới 64,2 điểm tương đương 16,6% so với phiên sụt giảm ngay trước con sóng thì đợt sóng cuối tháng 8 – đầu tháng 9 này có thời gian tăng điểm kéo dài gấp đôi, tới 13 phiên liên tiếp tương ứng với mức tăng 72,7 điểm hay 18,3% của chỉ số VN-Index. Cá biệt, có một số mã đạt mức tăng hơn 50% trong giai đoạn này như APS (+57,9%), BHT (59,8%), HPC (63,9%), KSD (51,1%), MSN (52,3%), SHS (73,5%), TPH (54,5%), VHG (53,8%), VIG (61,1%), VSP (81,6%) và WSS (74,3%). Và sau đó thị trường đi vào nhịp điều chỉnh kéo dài hơn 1 tuần nay.
Sự điều chỉnh của thị trường trong mấy phiên gần đây có thể nói là điều cần thiết sau 13 phiên tăng nóng trước đó và không hẳn xuất phát từ lo ngại tăng trưởng như những gì đang diễn ra trên thị trường chứng khoán thế giới do khó khăn vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam đã được nhìn nhận từ đầu năm nay. Không chỉ có vậy, với độ mở hiện nay của nền kinh tế, luôn tồn tại một độ trễ nhất định từ tác động của diễn biến nền kinh tế thế giới tới tình hình Việt Nam.
Ngoài ra, trên thị trường cũng không xuất hiện động thái bán tháo gây ra khủng hoảng lòng tin như những sức ép mà một số thị trường chứng khoán chủ chốt của thế giới đang phải hứng chịu. Thậm chí, trong phiên hôm nay, lực cầu tập trung khá mạnh ở một số mã như mã IJC (trên 1,7 triệu đơn vị dư mua trần), LCM (nửa triệu đơn vị dư mua trần), SAM (gần nửa triệu đơn vị dư mua giá sàn), STB (hơn 700 nghìn đơn vị giá sàn).
Có thể nói, sự đồng nhịp của thị trường chứng khoán Việt Nam với chứng khoán thế giới một số phiên gần đây không mang lại nhiều lo âu cho các nhà đầu tư Việt nam như những gì mà giới đầu tư toàn cầu đang phải trải qua.