Ấn tượng vốn ngoại
Sự phục hồi diễn ra từ phiên cuối tuần trước, vào ngày 7/9 khi VN-Index xuống “đáy” ngắn hạn ở đợt mở cửa với 955 điểm nhưng đến khi chốt phiên lại đạt gần 969 điểm. Biến động lên đến 13 điểm, tương ứng hơn 1,3% của VN-Index trong phiên này đủ gây bất ngờ và tạo ra nhiều cơ hội cho những người tham gia thị trường cơ sở lẫn chứng khoán phái sinh.
Nhưng đợt phục hồi nào cũng tạo ra những hoài nghi, nhất là trước đó đã điều chỉnh khá “gắt”, VN-Index có dấu hiệu chùng lại trong phiên ngày 10/9 khi chỉ tăng gần 1,5 điểm lên 970 điểm và thậm chí còn điều chỉnh giảm hơn 2 điểm trong đợt khớp lệnh mở cửa phiên ngày 11/9. Tuy nhiên, diễn biến vào chiều 11/9 đã khiến tất cả nhà đầu tư bất ngờ khi VN-Index tăng gần 15 điểm vào cuối phiên và đóng cửa đạt 985 điểm.
Có 2 điểm nhấn trong phiên ngày 11/9 và cũng có thể xem là phiên quan trọng để xác lập xu hướng của TTCK trong thời gian tới đây. Thứ nhất là phiên ngày 11/9 ghi nhận lượng mua ròng rất mạnh của nhà đầu tư nước ngoài trên cả 3 sàn khi giá trị lên đến khoảng 500 tỷ đồng.
Đây cũng là phiên thứ 3 liên tiếp khối ngoại mua ròng và là phiên mua ròng mạnh nhất trong nhiều tháng gần đây. Tần suất những phiên mua ròng của khối ngoại đã gia tăng nhiều hơn trong 1 tháng qua là điểm sáng của thị trường.
Mặt khác, giá trị mua ròng tính theo từng phiên cũng tăng mạnh từ đầu tháng 9 đến nay đã đồng thời dẹp bỏ những lo ngại về các vấn đề rút vốn khỏi thị trường mới nổi, hoặc chiến tranh thương mại có thể ảnh hưởng đến một số quốc gia. Điểm mấu chốt vẫn là nếu thị trường Việt Nam đủ hấp dẫn, có nhiều doanh nghiệp tiềm năng, cơ hội sinh lãi cao thì dòng vốn ngoại vẫn tìm đến.
Blue chips đồng thuận tăng điểm
BVH, VNM, GAS… là những cổ phiếu nổi trội nhất của phiên ngày 11/9 góp phần quan trọng để VN-Index tăng đến 1,5% điểm số. Sau khi chạm đáy 70.000 đồng/CP vào cuối tháng 6, BVH đã xác lập xu hướng (trend) tăng trở lại gần 3 tháng qua, khi giá đã tăng đến 36%. Cũng trong khoảng thời gian này, từ mức giá 75.000 đồng/CP, GAS cũng tăng cực kỳ ấn tượng khi vượt mốc 100.000 đồng/CP và đến phiên ngày 12/9 vừa qua đã áp sát mốc 110.000 đồng/CP.
Trong khi đó, VNM lại có 3 phiên phục hồi giá cực kỳ ấn tượng ngay tại thời điểm thị trường cần những CP trụ để giữ sắc xanh cho VN-Index. Chỉ trong 4 phiên, VNM từ mức giá 122.000 đồng/CP đã tăng lên 132.000 đồng/CP với khối lượng lớn.
Những diễn biến này chỉ ra rằng, chỉ cần có khoảng 3-5 cổ phiếu vốn hoá lớn tăng mạnh, đến kịch trần hoặc áp sát mức giá trần là lập tức thị trường có thể tăng rất mạnh và đây cũng là vấn đề rất cần xem xét. Diễn biến này thường được gọi là sự đồng thuận, mặc dù nhìn có vẻ dễ dàng nhưng để có thể xảy ra trong thực tế lại không đơn giản.
Phiên giao dịch ngày 12/9 đã chứng tỏ điều đó, khi VN-Index tăng khoảng 2 điểm để từ 985 lên 987 điểm, tuy nhiên đây là 1 phiên “xanh vỏ đỏ lòng”. Trong bộ 3 quan trọng góp phần khiến VN-Index tăng ngày 11/9, chỉ còn GAS duy trì được đà tăng ấn tượng khi tăng đến 5.500 đồng/CP lên 109.000 đồng/CP, BVH giảm nhẹ từ 95.700 đồng/CP xuống 95.000 đồng/CP, VNM chỉ còn tăng nhẹ từ 132.000 đồng/CP lên 132.400 đồng/CP. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng khá tốt trong phiên ngày 11/9 thì trong phiên ngày 12/9 cũng điều chỉnh.
Những diễn biến trong thời gian gần đây chỉ ra rằng, dường như sau một phiên tăng tốt, hoạt động bán ra sẽ được đẩy mạnh, nguyên nhân không nằm ở việc chốt lãi, mà có thể từ hiện tượng “đảo hàng”, cơ cấu danh mục.
Sự đồng thuận cũng khó có thể kéo dài được nhiều phiên nếu không có những thông tin đủ mạnh hỗ trợ, đa phần chỉ diễn ra trong 1 phiên và tại 1 nhóm cổ phiếu nào đó. Nói vậy để thấy rằng, thị trường vẫn có thể duy trì xu hướng tăng, nhưng sẽ không tăng quá mạnh, mà theo từng đợt sóng ngắn, nhà đầu tư cần thận trọng, tránh mua đuổi và kiên nhẫn chờ đợi những cơ hội vào hàng với giá tốt nhất.