“Có hai giai đoạn rõ rệt”, chuyên gia đến từ một công ty chứng khoán hàng đầu nhìn nhận. “Sau giai đoạn trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chỉ số tích lũy đi lên là chuyển sang ngay giai đoạn giảm điểm nhanh, lấy đi toàn bộ giá trị tích lũy cả năm trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19”.
Khởi đầu 2020 nhiều thuận lợi
Nhìn lại thị trường giai đoạn trước kỳ nghỉ Tết, có 3 nhân tố chính hỗ trợ VN-Index tăng điểm, bao gồm: thông tin tích cực của nhóm ngân hàng; dòng vốn khối ngoại; và kết quả kinh doanh quý IV/2019.
Cụ thể, trong nhóm ngân hàng, BID, CTG, VPB tăng điểm mạnh và nằm trong top các cổ phiếu hỗ trợ lớn nhất cho VN-Index. Tổng giá trị vốn hóa của lĩnh vực Ngân hàng đạt hơn 1.04 triệu tỷ đồng vào ngày 22/1 (phiên cuối cùng của năm âm lịch), tăng 8,6% so với thời điểm cuối năm 2019.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài chuyển sang mua ròng sau 5 tháng bán ròng trên sàn HOSE. Nhóm này mua ròng tới 2,1 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 1-22/1.
Xét riêng với dòng vốn ETF, VFMVN30 là quỹ tích cực tăng vốn nhất trong giai đoạn đầu năm. Biến động mạnh trong giai đoạn sau Tết cũng không ảnh hưởng tới hoạt đông mua ròng của quỹ này. Giá trị mua ròng trong tháng 1 của VFMVN30 đạt gần 264 tỷ đồng.
Cho đến giữa tháng 1/2020, các nhà quản lý quỹ trên toàn cầu vẫn tỏ ra lạc quan với tỷ trọng đầu tư cổ phiếu trong danh mục đạt mức cao nhất 17 tháng. Dòng vốn vào các thị trường mới nổi liên tục tăng và cũng với đó là đà mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý IV/2019 nhìn chung tích cực với tổng lợi nhuận sau thuế trên HOSE tăng 20,66% so với cùng kỳ, kéo cả năm tăng lên 12,1%. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của hai lĩnh vực vốn hóa lớn nhất thị trường là ngân hàng và bất động sản tăng 29,8% và 32,6%.
Virus corona đảo chiều chỉ số
Tuy nhiên, bước ngoặt diễn ra ngay sau giai đoạn sau kỳ nghỉ Tết. Các chỉ số giảm mạnh do một nguyên nhân duy nhất là Corona, theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Nghiên cứu Phát triển Công ty Chứng khoán SSI.
Kể từ cuối tháng 1, xu hướng dòng vốn trên toàn cầu bắt đầu đảo chiều. Corona làm giảm mạnh dự báo tăng trưởng của các nước Đông Á, đẩy các nhà quản lý quỹ phải thay đổi chiến lược.
Nhóm các thị trường mới nổi ở khu vực châu Á bị rút vốn mạnh do có mức độ liên thông về sản xuất và tiêu dùng lớn với Trung Quốc. Giá trị rút vốn khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu ở khu vực này vào tuần đầu tháng 2 đã tăng lên mức cao nhất 19 tuần. Triển vọng thu hút vốn nước ngoài cho thị trường chứng khoán trong tháng 2 và kể cả các tháng tiếp theo của Việt Nam vì vậy đã giảm xuống mức thấp.
Để đánh giá tác động của dịch bệnh lên nên kinh tế, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã đưa ra 2 kịch bản với tăng trưởng của Việt Nam. Theo đó nếu Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính tăng trưởng GDP năm 2020 sẽ đạt 6,27%. Nếu Covid-19 được khống chế trong quý II, GDP năm nay chỉ tăng 6,09%. Cả hai kịch bản đều đưa ra ước tính thấp hơn nhiều so với mức trên 7% của 2 năm liền trước.
Điểm đáng lưu ý là 3 phiên đầu năm chứng kiến chỉ số VN-Index đã giảm rất mạnh. Dù các thị trường quốc tế đã hồi phục lại tương đối nhanh, VN-Index vẫn đang bị tụt lại phía sau. Tổng mức giảm của VN-Index tính từ ngày 22/1-12/2 là 5,4% trong khi chỉ số chứng khoán các thị trường mới nổi MSCI EM Index giảm 3% và S&P 500 tăng 1%.
Như vậy, virut corona hoành hành làm đảo lộn mọi dự báo, khiến thị trường chứng khoán quý I rơi vào trầm lắng, ảnh hưởng đến cả năm 2020.
Nếu không có dịch Covid-19, thị trường chứng khoán quý I rất có thể đã khởi sắc nhờ thỏa thuận Mỹ – Trung và dòng vốn nước ngoài, theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh.
Đòn bẩy nào nâng thị trường?
Ông Linh cho rằng diễn biến phức tạp của dịch bệnh có thể khiến thời gian phong tỏa các thành phố ở Trung Quốc kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam. Đây sẽ là đợt tác động tiêu cực thứ 2 sau đợt 1 là sụt giảm lượng khách du lịch và doanh thu tiêu dùng.
Tiếng “kêu cứu” của các doanh nghiệp hay hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam sẽ ngày một lớn, và cho dù tiếng nói đó có cơ sở hay không thì tâm lý của thị trường chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng, theo ông Linh.
“Nhân tố cơ bản, dòng vốn và tâm lý thị trường, đều yếu sẽ triệt tiêu sức bật của thị trường chứng khoán Việt nam trong quý I”, ông Linh dự đoán.
Ở kịch bản tích cực, việc khống chế dịch bệnh đạt những thành công ban đầu ngay trong tháng 2-3, cùng với đó sức cầu tiêu dùng và chuỗi sản xuất ít bị ảnh hưởng sẽ mang lại diễn biến khả quan hơn cho thị trường.
Theo ông Linh, điểm đáng chú ý trong đợt dịch năm nay đó là mức độ công bố thông tin và sự quyết tâm kiểm soát dịch bệnh của các Chính phủ. Minh bạch thông tin có thể khiến tâm lý chịu sức ép ở giai đoạn đầu, tuy nhiên khi dịch bệnh được kiểm soát, tâm lý cũng sẽ được phục hồi nhanh.
Trong khi đó, các chuyên gia chứng khoán lưu ý rằng trong các năm trước, sóng đầu năm luôn là sự khởi đầu thuận lợi cho thị trường chứng khoán Việt Nam, để lại dư âm tích cực cho các tháng tiếp theo. Năm 2020 nếu không có sóng đầu năm, sức nóng của thị trường sẽ cần thêm rất nhiều thời gian để tích lũy.
Tuy nhiên, với dự báo tăng trưởng kinh tế giảm và tác động tiêu cực từ dịch bệnh chưa thể tính toán đầy đủ, sự trầm lắng của thị trường quý I có thể kéo dài sang quý II, thậm chí cả nửa cuối năm nếu như không có những diễn biến mới giúp thay đổi cục diện kinh tế và thị trường chứng khoán.
Hiện tại có 2 diễn biến mà các nhà đầu tư có thể trông đợi. Thứ nhất là làn sóng kích thích kinh tế thông qua hạ lãi suất tại hàng loạt các quốc gia; và ở Việt Nam là việc tích cực giải ngân đầu tư công và các ngân hàng cắt giảm lãi suất cho vay.
Thêm vào đó, dịch bệnh sẽ là một động lực rất lớn để gia tăng quyết tâm tái cơ cấu, từ đó mang lại sức bật mạnh cho kinh tế Việt Nam cả ngắn hạn cũng như dài hạn.
Thứ hai là kết quả xếp hạng thị trường với một khả năng nhất định Việt Nam được FTSE cân nhắc nâng hạng. Dù khả năng thứ 2 không lớn nhưng những nỗ lực vừa qua của Việt Nam chắc chắn sẽ được ghi nhận, từ đó mang lại tâm lý tích cực cho thị trường.
Dương Công Chiến