Do đó lúc này, NĐT chưa có tâm trạng lạc quan về dòng tiền ngắn và trung hạn.
Thị trường liên tục đón nhận thông tin về các chính sách thắt chặt tiền tệ đã, đang và sẽ tiếp tục áp dụng cho các NHTM. Việc kiềm chế lạm phát vẫn chưa mang lại nhiều hiệu quả thì rõ ràng việc thắt chặt tiền tệ sẽ còn tiếp tục được duy trì.
Những gam màu sáng – tối của tháng 7
Về các động thái giao dịch, khối ngoại liên tục bán ròng trong hơn một tháng qua. Điều mà NĐTNN lo ngại nhất là tỉ giá có còn bị biến động mạnh như giai đoạn 2008 – 2010 ? Khi tỉ giá biến động, sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận đầu tư và lợi nhuận từ chứng khoán có được có thể không đủ bù đắp nếu như đồng VN tiếp tục giảm giá.
TTCK vốn được xem là “phong vũ biểu” của nền kinh tế vì thế TTCK chỉ có thể tăng trưởng bền vững khi nền kinh tế ổn định. Rõ ràng bức tranh kinh tế hiện nay chưa sáng sủa và việc kỳ vọng kinh tế xán lạn hơn trong thời gian ngắn là khó. Mặc dù có thể thấy bức tranh dù còn nhuốm màu ảm đạm nhưng đâu đó đã xuất hiện những gam màu tươi sáng: Sau ngày 30/6 là thời hạn giảm tỉ trọng tín dụng phi sản xuất xuống 22%, không có một cuộc bán tháo nào xảy ra. Điều này cũng giúp hỗ trợ tâm lý cho các NĐT. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có dấu hiệu hạ nhiệt kể từ tháng 4/2011. Nếu CPI tiếp tục sụt giảm và duy trì ở mức ổn định sẽ mở ra cơ hội cho lãi suất huy động giảm dẫn đến lãi suất cho vay sẽ hạ nhiệt, gián tiếp tác động tốt dòng tiền cho TTCK.
Ngoài ra, cũng đã xuất hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ cho thị trường tài chính và TTCK như việc Chính phủ đồng ý trình Quốc hội thông qua phương án miễn thuế thu nhập cá nhân, trong đó có cả thuế từ đầu tư chứng khoán. Đáng chú ý nhất là Thông tư 74 BTC, mở ra một trang mới cho TTCK khi hiện thực hóa nhiều mong muốn của NĐT nhiều năm nay với việc cho phép NĐT được mở nhiều tài khoản, được mua bán cùng phiên, cho phép giao dịch ký quỹ sắp có hiệu lực vào ngày 1/8 này.
Những yếu tố trên đã giúp cho thị trường không sụt giảm sâu, nhưng không đủ giúp TTCK gia tăng mạnh. Bởi thế xu hướng “sideway” (đi ngang, không rõ xu hướng) nhiều khả năng vẫn còn tiếp tục duy trì trong tháng này với lực cầu yếu. Nếu quan sát kỹ thời gian gần đây, sẽ thấy NĐT nắm giữ chứng khoán không muốn bán chứng khoán giá thấp, người mua lại không muốn mua giá cao nên khối lượng giao dịch (KLGD) thành công chỉ nằm giữa hai giá này.
Chậm tay vẫn còn hàng
Quan sát kỹ trong giai đoạn tháng 5-6, khi VN-Index đạt mốc 450-460 và HNX-Index đạt mốc 80-83 điểm, đây là vùng có KLGD nhiều nhất trong năm 2011 và thậm chí đối với HNX thì đây là vùng có KLGD nhiều thứ 3 trong lịch sử. Điều này có nghĩa là khi giá rớt về vùng hiện tại 420-430 đối với VN-Index và 72-73 đối với HNX-Index, những NĐT mua chứng khoán ở vùng giá trên đang bị thua lỗ; đồng nghĩa với việc khi thị trường tăng lại gần vùng giá này, những NĐT đang “ôm bom” ở trên cao sẽ luôn sẵn sàng cung ra thị trường. Thử tưởng tượng NĐT chính là người dẫn dắt dòng tiền của mình trên thị trường. Trong một bức tranh có một số người dưới núi đang nỗ lực xông lên, nhưng cũng có rất nhiều “đá” liệng liên tục từ trên xuống với khối lượng lớn, tốc độ nhanh, thì rõ ràng việc người ở dưới lên được đến đỉnh là không dễ. Trong trường hợp này nếu có thành công, cũng khó tránh thương tích.
Như vậy, mặc dù ai cũng biết giá chứng khoán còn rẻ và nhiều người cho rằng “nhanh tay thì còn, chậm tay thì mất hàng”, nhưng với giai đoạn này và ít ra trong ngắn hạn, khi hàng “khuyến mãi” còn rất nhiều thì ngay cả “chậm tay cũng vẫn còn hàng”. Tóm lại, muốn thị trường gia tăng mạnh, cần phải có dòng tiền lớn. Với bối cảnh hiện nay, thị trường cần thêm thời gian “sideway” để tiêu thụ bớt hàng trên cao và thậm chí phải giảm đến một mức độ đủ để “lòng tham” quay trở lại với NĐT, giúp KLGD được cải thiện. Trong ngắn hạn tháng 7, nếu “vượt núi” thành công, chắc chắn chi phí NĐT phải trả cho điều đó sẽ lớn, bởi vậy trường hợp này khó xảy ra. Hi vọng rằng xu hướng “đi ngang”, thậm chí giảm sẽ dễ hơn trong việc giúp thị trường có cơ hội gia tăng trở lại, giống như một cái lò xo bị nén mạnh sẽ có nhiều sức bật hơn là một lò xo đã mất tính đàn hồi trong quá khứ.