Trong tháng 8 vừa qua, chỉ số VN – Index tăng điểm so với tháng 7. Tuy nhiên, giới chuyên môn đưa ra nhiều phân tích cho rằng sự đi lên của thị trường không bền vững bởi dòng tiền vào thị trường không lớn. Trong đó, chủ yếu là các nhà đầu tư (NĐT) đánh giá lại danh mục đầu tư, chuyển tiền từ nhóm ngành này sang nhóm ngành khác khiến thị trường có sự biến đổi.
Do đó, giới phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán không có cơ sở để tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, mà ngược lại còn rất dễ bị tổn thương nếu gặp áp lực bán mạnh. Quả vậy, thời gian vừa qua, áp lực lạm phát tăng cao, trong khi thị trường thế giới có nhiều biến đổi theo hướng không thuận lợi… khiến thị trường cổ phiếu dễ bị tổn thương. Tổng hợp lại những bất lợi về mặt vĩ mô, dòng tiền đầu tư của một số đại gia liên tục rút khỏi thị trường. Số tiền còn lại trên thị trường cũng có nhiều thay đổi trong quá trình cơ cấu lại danh mục đầu tư khiến thị trường chứng khoán thiếu đi đòn bẩy về vốn.
Điều này thể hiện rất rõ thông qua các số liệu giao dịch cổ phiếu của tháng 8/2018. Bước qua tháng 9, dù rằng nhiều lãnh đạo cấp cao của các CTCK khẳng định, thị trường vẫn còn tiềm năng, dòng vốn vẫn có thể quay trở lại để đón lõng những cổ phiếu tốt giá rẻ. Thế nhưng, thực tế đang chứng minh rằng: để có được quá trình đó thì thị trường cần rất nhiều thời gian, đặc biệt là khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ – Trung chưa chấm dứt.
Vậy, câu hỏi đặt ra là NĐT nên làm gì lúc này?
Như đã nói ở trên, dòng vốn ngoại vẫn chưa quay lại thị trường và chưa có một dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ trở lại trong thời gian tới để nâng đỡ thị trường chứng khoán Việt Nam. Dẫu vậy, nếu dựa theo báo cáo chiến lược tháng 9 của CTCK Rồng Việt nhìn nhận dưới góc độ tiền tệ, rủi ro tiền tệ các nước bị giảm giá so với USD hầu như đã được thị trường phản ánh. Thị trường chứng khoán trong khu vực vì vậy có vẻ đang ở mức rủi ro tương đối thấp và có khả năng khởi sắc hơn.
Tuy nhiên trong ngắn hạn, chỉ số VN – Index khó có thể vượt xa khỏi mốc 1.000 điểm khi mà căng thẳng Mỹ – Trung, kỳ cơ cấu ETF và khả năng Fed nâng lãi suất là các rào cản không nhỏ. Trong bối cảnh đó, thanh khoản nếu có thể duy trì ở mức hiện tại, hoặc cao hơn 4.000 tỷ đồng/phiên sẽ là một kịch bản không tồi.
Trong khi đó, Bộ phận Chiến lược thị trường của CTCK VietinBank cho rằng, dòng tiền ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng và dòng tiền nội đang bị hút vào kênh ngoài chứng khoán như tiền gửi tiết kiệm, vàng, ngoại tệ và cả bất động sản. Vì vậy, khi thị trường xoay chiều, một lượng tiền không nhỏ với mong muốn kiếm lời nhanh chóng đã bị rút ra làm cho thị trường nhanh chóng mất đi sự hấp dẫn.
Còn theo Bộ phận Chiến lược thị trường của CTCK Bảo Việt, thông thường thị trường chứng khoán Việt Nam luôn có sự tham gia mạnh mẽ của khối ngoại khi trung bình khối này tham gia từ 15% – 25% giá trị giao dịch. Do đó, khi thị trường bản địa của NĐT ngoại bị bán tháo liên tục thì họ cũng có những hành động tương tự trên thị trường Việt Nam.
Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam muốn tăng trưởng thì lúc này cần có dòng tiền đổ vào. Tuy nhiên, lúc này thị trường khó có thể kỳ vọng dòng tiền đổ vào trong ngắn hạn vì có nhiều lý do tác động. Do vậy, đối với các NĐT đang nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao có thể tranh thủ các nhịp giảm điểm của thị trường để thực hiện mua trading với tỷ trọng trung bình nhằm tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn.
Đối với các NĐT đang giữ tỷ trọng cổ phiếu cao, có thể áp dụng chiến thuật mua trước bán sau để hạ giá vốn bình quân cho các vị thế trong danh mục. Tuy nhiên, quan điểm này cũng lập luận việc tham gia vào thị trường lúc này rất mệt mỏi, nếu NĐT đã đưa tài khoản về tiền mặt cũng phải cân nhắc kỹ thời điểm vào thị trường…
Những nhận định về thị trường nêu trên, NĐT có thể kỳ vọng một chuyển biến từ khối ngoại trong một vài tháng tới, điều vẫn thường diễn ra ở cuối năm và đầu năm. Dù vậy, các biến chuyển vĩ mô trên thế giới vẫn sẽ là nhân tố chính quyết định xu hướng trong 12 tháng tiếp theo. Theo đó, NĐT cần lựa chọn đúng thị trường cho mục tiêu quý IV tới đây là điều rất quan trọng…