Theo một số nhà phân tích, nếu đà phục hồi tiếp tục thuận lợi, VN-Index có thể quay trở lại mức đỉnh hồi đầu năm nay là khoảng 1.200 điểm khi các công ty chứng khoán đang sở hữu nguồn vốn margin khá dồi dào để bơm lại thị trường.
Động lực tăng điểm cho thị trường còn đến từ một số nhân tố khác. Đầu tiên là việc phục hồi của khá nhiều các cổ phiếu bất động sản thời gian gần đây khi giới đầu tư kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ khởi sắc hơn khi nhiều DN đã lên kế hoạch tung hàng loạt các dự án ra chào bán trong những tháng tới.
Điển hình như ở TP.HCM, Vingroup đang tất bật chuẩn bị các bước cuối cùng để chào bán siêu dự án Vincity quận 9 trong thời gian tới. Nam Long giới thiệu ra thị trường dự án Akira City có quy mô gần 9 ha tại mặt tiền đại lộ Võ Văn Kiệt ở quận Bình Tân, Novaland mở bán dự án hạng sang Grand Manhattan tại Quận 1, Sacomreal đặt cược vào dự án Charmington Iris tại Quận 4, hay Đất Xanh kỳ vọng vào quân bài chiến lược Gem Riverside tại Quận 2…
Đóng góp vào đà hưng phấn của thị trường bất động sản còn đến từ nguồn ngoại lực từ các tên tuổi hàng đầu CapitaLand, Keppel Land, Alpha King, Frasers Properties… với khá nhiều các dự án mở bán hay bàn giao nhà. Một số các thương vụ chuyển nhượng dự án trong năm nay có thể mang lại lợi nhuận đột biến cho một số DN niêm yết trên sàn.
Có thể nói, bất động sản vẫn là một trong những kênh thu hút dòng tiền lớn nhất vào thời điểm hiện tại do thị trường vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh. Nhờ đó, một số DN xây dựng như Coteccons, Hòa Bình, Thuận Việt, Hưng Thịnh Incons, FBV… nhiều khả năng sẽ ký được các hợp đồng xây dựng khủng, cải thiện khối lượng backlog (công trình chưa hoàn thành) trong những tháng cuối năm nay và trong năm sau.
Điển hình như Công ty cổ phần Xây dựng và Địa ốc Hòa Bình (mã cổ phiếu HBC), Công ty chứng khoán Bảo Việt cho rằng cổ phiếu HBC là đáng quan tâm với mức giá mục tiêu cuối năm nay là 26.600 đồng, tăng 19% so với mức giá hiện tại do HBC là nhà thầu lớn thứ hai trên toàn quốc nên vẫn còn nhiều dư địa cho tăng trưởng trong tương lai…
Một nhân tố khác dự kiến sẽ giúp lan tỏa không khí tích cực đến thị trường là hoạt động hiệu quả của các ngân hàng cùng với những thương vụ M&A trong lĩnh vực này.
Đơn cử như Vietcombank dự kiến sẽ thoái một phần vốn khỏi ngân hàng MBB, Eximbank… Trước đó, Vietcombank đã thực hiện thoái vốn thành công tại các TCTD như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), cùng với đó là thoái vốn khỏi Công ty Tài chính Xi măng CFC.
Trong lộ trình thoái vốn khỏi các TCTD, giảm tỷ lệ sở hữu và xóa sở hữu chéo theo Thông tư 36 của NHNN, Vietcombank đã đặt kế hoạch giảm sở hữu cổ phần MBB và Eximbank về dưới 5% trong năm nay, đồng thời có thể ghi nhận hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận từ các thương vụ chuyển nhượng này.
Tất nhiên, chứng khoán vẫn tồn tại một số thách thức cần vượt qua. Đáng kể nhất là tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung và việc gia tăng các chính sách bảo hộ thương mại của chính quyền Mỹ. Nhưng so với các quốc gia trong khu vực, rủi ro của Việt Nam là nhỏ hơn đáng kể.
Năm ngoái, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới vào Việt Nam lên đến 21 tỷ USD. Con số này trong năm nay được Ngân hàng Standard Chartered dự báo sẽ duy trì ở mức 15 tỷ USD.
“Việt Nam được hưởng lợi nhờ tham gia nhiều hiệp định thương mại với khu vực, dân số trẻ và đào tạo khá tốt, chi phí rẻ cũng như vị trí tiệm cận với thị trường đông dân Trung Quốc. Điều này sẽ tiếp tục hấp dẫn dòng vốn FDI trong các năm tới”, ông Chidu Narayanan, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered nhận định.