Tổng cộng, chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương gần đây đã giảm 5%, khiến 700 tỷ USD vốn hóa thị trường bốc hơi trong năm nay. Theo Bloomberg, đây là đợt giảm điểm dài nhất kể từ năm 2002.
Có rất nhiều nguyên nhân như vấn đề thương mại, đồng USD, sự bất ổn của các thị trường mới nổi, chứng khoán Trung Quốc suy yếu.
“Thị trường chứng khoán châu Á đang trong thời kỳ căng thẳng thương mại leo thang, USD tăng giá và bất ổn từ các thị trường mới nổi. Sự suy yếu từ Trung Quốc như đổ thêm dầu vào lửa”, Nader Naeimi, đứng đầu bộ phận về thị trường năng động của AMP Capital Investors, cho biết.
Phần lớn các thị trường chứng khoán ở châu Á ngày 12/9 đều giảm điểm. Chỉ số Topix của Nhật Bản chốt phiên giảm 0,5%. Chỉ số Hang Seng giảm 0,3%, tiếp tục lún sâu vào vùng thị trường giá xuống. Chỉ số Shanghai Composite giảm sát ngưỡng thấp nhất 4 năm qua, bất chấp nỗ lực cải thiện tâm lý của các nhà lập chính sách.
Sổ phiên giảm liên tiếp của chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương kể từ năm 2002. Ảnh: Bloomberg.
Đây là những ý kiến của các chiến lược gia khi nói về tình hình hiện tại của thị trường chứng khoán châu Á.
Hệ quả từ các thị trường mới nổi
“Ngày có càng nhiều hệ quả từ các diễn biến ở Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina đến những nền kinh tế dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài như Indonesia và Philippines”, Ken Peng, chiến lược gia tại Citigroup Inc, cho biết. Cả hai quốc gia Đông Nam Á này đều có “thâm hụt lớn, lạm phát cao và đang tăng. Dự trữ cũng có sự sụt giảm”.
Thương mại
Micheal McCarthy, chiến lược gia thị trường của CMC Markets, Sydney, cho rằng: “Những lo ngại có thể thấy rõ trong ngắn hạn là căng thẳng thương mại. Những dấu hiệu về khả năng giảm căng thẳng là điều rất tích cực nhưng
chúng khó có thể xuất hiện trong tình hình hiện tại”.
“Nguy cơ lớn nhất là từ chính thương mại”, theo Peng. Mọi người “rất lo sợ về khả năng Mỹ áp thêm thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Ông cũng cho rằng cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ vào ngày 6/11 tới là chìa khóa và căng thẳng thương mại có thể biến mất hoàn toàn sau đó.
Đồng USD
Paul Kim, trưởng bộ phận đầu tư của Eastspring Investment, chia sẻ: “Đợt suy giảm của thị trường chứng khoán châu Á chủ yếu đến từ việc đồng USD đang không ngừng mạnh lên so với các đồng tiền của các thị trường mới nổi”. Ông e ngại một cuộc tháo chạy khỏi các thị trường này khi Cục dự trữ liên bang Mỹ vẫn có ý định tăng lãi suất.
Thị trường giá xuống
“Chúng tôi giữ lập trường giá xuống với chứng khoán châu Á và các thị trường mới nổi, dự báo lợi nhuận giảm trong vài tháng tới”, Jonathan Garner, giám đốc điều hành Morgan Stanley, nói, viện dẫn “tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc sẽ tác động đến thắt chặt tín dụng”, giảm nhu cầu xe hơi hoặc phần cứng công nghệ.
Vẫn còn quá sớm
“Thị trường châu Á đã rẻ hơn và bị quá bán so với hồi đầu năm. Theo tôi nghĩ thì giai đoạn này đã dần đi đến cuối hơn là nó vừa bắt đầu. Tuy nhiên, với những quan ngại xung quanh thị trường chứng khoán Mỹ, nếu suy giảm sẽ gây ảnh hưởng toàn cầu, tôi cho rằng vẫn còn quá sớm để đầu tư vào đây”, Naeimi của AMP phát biểu.
Tín hiệu lạc quan
“Chúng ta đã thấy ánh sáng ở cuối đường hầm dù vẫn đang ở trong bóng tối”, Peng nói. Các nhà đầu tư cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định mua vào cổ phiếu. “Nó quả thực là một thử thách cho các nhà quản lý tài chính”.
“Chúng tôi trông chờ một thị trường chứng khoán có tính kiến thiết tại châu Á trong quý tới, trong bối cảnh các biện pháp điều chỉnh tiếp tục được triển khai. Giá trị sẽ hấp dẫn hơn, đáng để xem xét”, Jason Low, chiến lược gia cấp cao của DBS Bank Holdings, chia sẻ.
Jasslyn Yeo, chiến lược gia thị trường toàn cầu của công ty quản lý tài sản JP Morgan, cũng cho rằng: “Tin tốt lành là giá trị của đồng tiền đang trở nên hấp dẫn hơn và thị trường chứng khoán đã quá bán. Điều này có thể dẫn đến sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán châu Á trong vài tháng tới”.