Cụ thể, chỉ số VN-Index tăng thêm 2,76 điểm (+0,69%) lên 404,41 điểm trong phiên cuối tuần nhờ lực đẩy chính đến từ nhóm cổ phiếu blue-chips. Ngoại trừ BVH đứng giá, cả MSN, VIC và VNM đều đạt mức tăng tích cực.
Thanh khoản sụt giảm so với phiên hôm qua, đạt 29,42 triệu đơn vị chuyển nhượng tương đương giá trị 472,67 tỷ VND. Mã SSI, REE, HQC và LCG dẫn đầu về giao dịch khớp lệnh. Toàn sàn ghi nhận 18 mã tăng trần/ 112 mã tăng so với 16 mã giảm sàn/98 mã giảm.
Ngược lại, chỉ số HNX-Index lại chốt tuần trong sắc đỏ bất chấp thực tế số mã tăng nhiều hơn số mã giảm với tỷ lệ 28 mã trần/ 116 mã tăng so với 29 mã sàn/ 107 mã giảm. Chỉ số này chốt phiên giảm 0,5 điểm hay 0,72% xuống 69,25 điểm. Phiên cuối tuần ghi nhận mức sụt giảm gần 25% trong thanh khoản và giá trị giao dịch tại HNX so với phiên hôm qua, tương đương hơn 30,14 triệu đơn vị trao tay thành công tương đương giá trị 345,93 tỷ VND.
Sự kiện đáng chú ý nhất trong ngày hôm nay là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) họp bàn chính sách lãi suất với 12 ngân hàng thành viên trong hệ thống. Đây là thông tin được thị trường chờ đợi trong nhiều ngày trở lại đây sau tuyên bố sẽ giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế xuống của tân Thống đốc NHNN.
Việc lạm phát trong nước được dự báo đã chạm đỉnh trong tháng 8 này và sẽ bắt đầu đi xuống trong những tháng tiếp theo là một áp lực không nhỏ đòi hỏi cởi bỏ nút thắt dòng tiền từ hệ thống ngân hàng chảy vào nền kinh tế. Mặc dù lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với các cơ quan quản lý, nhưng việc điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nào trong những tháng tới đây sẽ là bài toán vô cùng khó khăn cho những nhà điều hành.
Còn nhớ hồi đầu tháng trước, khi NHNN quyết định điều chỉnh lãi suất trên thị trường mở (OMO) xuống 14%, đã vấp phải khá nhiều lời bình luận của các tổ chức quốc tế, rằng còn quá sớm để Việt Nam có thể nới lỏng chính sách tiền tệ của mình, trước những khó khăn vĩ mô đang chờ đợi trong những tháng cuối năm.
Việc giảm lãi suất cho vay trong thời điểm này sẽ tháo gỡ rất nhiều vướng mắc cho các doanh nghiệp đang gặp phải tình trạng đình đốn và khó khăn trong sản xuất. Tuy nhiên, để hướng sự thuận lợi này chảy đúng dòng trong nền kinh tế, sẽ đòi hỏi rất nhiều những sự linh hoạt trong chính sách điều hành thay vì những quy định hành chính như trước.
Và tác động thực sự của việc hạ lãi suất tới thị trường chứng khoán sẽ chỉ thực sự phát huy rõ nét nhất trong thời điểm cuối năm. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng phải quan sát biến động khó lường của thị trường vàng trong thời gian tới, vì đây là một kênh đầu tư cạnh tranh trực tiếp và có tác động mạnh tới hoạt động đầu tư chứng khoán.