Tính đến ngày 27/9, mặc dù còn 3 phiên nữa mới kết thúc tháng nhưng triển vọng tháng 9 này sẽ ghi nhận một đợt bán ra kỷ lục của khối ngoại là rất lớn. Từ đầu tháng đến nay, dòng vốn ngoại đã thu về lượng tiền mặt lên tới trên 886,3 tỷ đồng tại hai sàn giao dịch, tính cho cả các giao dịch thỏa thuận (trừ trái phiếu).
Thống kê theo tháng, nếu không có những biến động khác thường về mua vào trong 3 phiên tới, tháng 9/2011 sẽ là tháng dòng vốn ngoại bán ròng mạnh nhất kể từ tháng 9/2009. Kỷ lục gần nhất là quy mô bán ròng 2.080,2 tỷ đồng trong tháng 9/2009 và là một trong những giai đoạn khó khăn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ sau đợt tháo chạy ồ ạt khỏi thị trường trái phiếu năm 2008.
Trong tháng 8/2011, nhà đầu tư nước ngoài cũng đã bán ròng khoảng 224,5 tỷ đồng. Hoạt động bán ra đã có những tín hiệu từ tháng trước nhưng chỉ thực sự trở nên rõ rệt trong tháng 9 với cao điểm là tuần từ 12-16/9, đạt giá trị bán ròng 695,4 tỷ đồng.
Phân tích cơ cấu giao dịch của khối ngoại cho thấy nhiều điểm đáng chú ý. Trước hết là sự “lệch pha” trong các giao dịch khớp lệnh và giao dịch thỏa thuận. Riêng trong tháng 9, hoạt động bán ròng qua các giao dịch khớp lệnh đã chiếm 98%. Các giao dịch thỏa thuận thoát ròng rất thấp (chỉ đạt xấp xỉ 16,6 tỷ đồng) và đa số giao dịch là thỏa thuận nội khối.
Thứ hai, hoạt động bán tập trung vào số ít blue-chip trên HSX, vốn là những cổ phiếu vốn hóa lớn được ưa thích trong danh mục. Những tuần giá trị bán ròng của khối ngoại tăng vọt đều tập trung vào những cổ phiếu như FPT, HAG, DPM, VIC, HPG… Đến nay vẫn chưa có nhiều những báo cáo về giao dịch của tổ chức nhưng hoạt động bán như vậy hiếm khi thuộc về nhà đầu tư cá nhân.
Theo thông tin từ Công ty Chứng khoán Bản Việt, chỉ số tham khảo Market Vectors Vietnam (VNM) sẽ tới hạn tái cấu trúc danh mục hàng quý vào ngày 16/09/2011. Hai cổ phiếu sẽ không còn nằm trong rổ tính là FPT và HSG. Danh mục đầu tư của quỹ ETF Market Vectors Vietnam đến 23/9 đã không còn hai mã cổ phiếu nói trên. Quỹ này cũng đã bán ra mạnh VIC, VCB và CTG. Báo cáo của các quỹ liên quan của Deutsche Bank cũng ghi nhận hoạt động bán ròng gần 2,1 triệu FPT và không còn là cổ đông lớn.
Hoạt động chuyển nhượng thỏa thuận nội khối của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 9 lên tới gần 1.546,5 tỷ đồng (không tính trái phiếu) nhưng lượng vốn ròng bị rút ra lại quá nhỏ (16,6 tỷ đồng) cho thấy có sự thế chân của dòng vốn này. Việc thanh lý hoặc cơ cấu lại danh mục đầu tư của tổ chức nước ngoài được thực hiện khá êm thấm, ngoại trừ những hoạt động bán ròng qua khớp lệnh. Thông thường các thương vụ thoái vốn quy mô lớn được thực hiện qua hình thức thỏa thuận để khỏi ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Tuy nhiên nếu cầu đủ mạnh, cũng không loại trừ khả năng hoạt động này được tiến hành trực tiếp trên sàn khớp lệnh.
Bằng chứng dễ thấy nhất là trong tuần đỉnh điểm về thanh khoản của sóng tăng vừa qua, hoạt động bán ròng qua khớp lệnh của khối ngoại đã tăng vọt. Tuần từ 12-16/9, giá trị giao dịch khớp lệnh của hai sàn đạt 8.476 tỷ đồng, cao kỷ lục kể từ tuần áp chót tháng 12/2010 cũng là thời điểm khối ngoại bán ròng mạnh nhất. Tại HSX trong thời gian này, giá trị khớp lệnh đạt 4.702 tỷ đồng thì quy mô bán ròng đạt 633,2 tỷ đồng, chiếm gần 13,5%.
Áp lực bán ra của nhà đầu tư nước ngoài đột ngột tăng vọt trong hai tháng gần đây đúng vào thời điểm xuất hiện những báo cáo quan ngại về sự dịch chuyển dòng vốn ra khỏi nhiều thị trường mới nổi. Bất ổn kinh tế thế giới gia tăng trong khi Việt Nam cũng phải đối mặt với nguy cơ lạm phát, giá vàng tăng vọt và biến động trên thị trường ngoại tệ. Sự xoay chuyển bất thường của dòng vốn ngoại tại Việt Nam đã làm nảy sinh nhiều nghi ngại về nguy cơ thoái vốn, nhất là khi hàng loạt quỹ đầu tư đã phát tín hiệu từ đầu năm về áp lực của cổ đông, cũng như nhu cầu phải chuyển đổi mô hình từ quỹ đóng sang quỹ mở.
Hai tháng trở lại đây dòng vốn ngoại rút khỏi vị thế nắm giữ cổ phiếu khoảng trên 1.110 tỷ đồng. Đây là con số tương đối lớn nhưng cũng không phải là quá lớn so với lượng vốn gián tiếp đang nằm trong thị trường hiện tại. Việc gia tăng nắm giữ hoặc thoái vốn, cơ cấu danh mục là hoạt động bình thường của các quỹ, nhất là các quỹ đầu tư theo chỉ số hoặc ủy thác. Nhiều thông tin đăng ký cơ cấu danh mục với việc bán ra/mua vào tương đương hoặc chênh lệch không nhiều cho thấy điều này.
Thời gian qua cơ quan quản lý cũng ghi nhận dòng vốn nóng có vào thị trường Việt Nam, nhưng không lớn. Nhu cầu rút ra của dòng vốn này là bình thường. Theo thông tin từ ông Nguyễn Thành Long Vụ trưởng, Vụ quản lý các công ty Quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán nhà nước), 6 tháng đầu năm dòng vốn gián tiếp (FII) có xu hướng đi lên rất mạnh mẽ. Vốn vào trong tháng 7, 8 tuy có giảm nhẹ so với các tháng trước đó, nhưng dòng vào vẫn ở trạng thái dương. Hiện vốn FII ròng vào Việt Nam cũng tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị tài sản của dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại đạt hơn 7 tỷ USD, con số này có nhích hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Một điểm nữa cũng đáng chú ý là thương vụ trị giá 570 triệu USD của ngân hàng Mizuho Financial Group Inc. (Nhật Bản) vào VCB để sở hữu 15% cổ phần cho thấy dòng vốn gián tiếp dài hạn vẫn đang tìm đến Việt Nam. Đặc biệt thông tin mới đây từ bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết sự trở lại rất sôi động của dòng vốn ngoại trên thị trường trái phiếu sơ cấp. Riêng trong tháng 5 và 6/2011, nhà đầu tư nước ngoài đã mua gần 6.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ. Đây là một thay đổi lớn trong khi 4 tháng đầu năm 2011, khối này gần như không tham gia thị trường sơ cấp.
Theo bà Lan, động thái mới của dòng vốn nước ngoài trên thị trường trái phiếu cho thấy kỳ vọng về sự ổn định vĩ mô thời gian tới. Có hai khả năng trong cách nhìn nhận của các tổ chức nước ngoài khi quay lại với trái phiếu chính phủ. Thứ nhất là những khó khăn của Việt Nam đã bộc lộ hết. Thứ hai là kỳ vọng vào khả năng giảm lãi suất thời gian tới. Thường lãi suất giảm, giá trái phiếu sẽ tăng, do đó việc mua đón đầu xu hướng hạ lãi suất là hiện thực.