Chứng khoán gần như đi ngang trong suốt tuần. So với mức chốt phiên cuối tuần trước, chỉ số VN-Index chỉ đánh mất 3,5 điểm tương đương 0,85% trong khi HNX-Index cũng chỉ thụt lùi 1,33 điểm hay 1,88%.
Quan sát diễn biến trên HNX trong tuần này cho thấy thanh khoản tại sàn này được cải thiện qua từng phiên tuy vẫn ở mức hết sức khiêm tốn và ngưỡng 69 điểm vẫn là một ngưỡng cản quan trọng đối với chỉ số này. Chỉ số HNX-Index đóng cửa chỉ giảm nhẹ 0,4 điểm tương ứng 0,57%, đứng ở mức 69,55 điểm trong tuần giao dịch cuối của tháng 7.
Không có biến động nào đáng chú ý trên sàn này ngoài việc mã API ghi nhận giao dịch thỏa thuận hơn 1,14 triệu đơn vị giá sàn mà không có thông tin công bố nào tương ứng, đóng góp vào tổng khối lượng gần 22,26 triệu đơn vị hay 235,69 tỷ VND về giá trị trên HNX.
Trong khi đó, chỉ số VN-Index sau khi bị mã VIC giảm sàn kéo mạnh xuống 5,61 điểm, đứng ở mức thấp chưa từng có của tháng là 402,78 điểm trong đợt 2 đã được vực dậy khi VNM bật xanh và ba mã chủ chốt khác đồng loạt nằm trong sắc đỏ. Chỉ số này khép lại tuần cuối tháng 7 với mức giảm 2,69 điểm hay 0,66%, xuống 405,70 điểm. Thanh khoản của HSX trong phiên này đạt 18,91 triệu đơn vị với giá trị 370,27 tỷ VND.
Số mã giảm vẫn duy trì nguồn lực áp đảo so với số mã tăng trên cả hai sàn với tỷ lệ 23 mã trần/ 82 mã tăng so với 31 mã sàn/ 132 mã giảm tại sàn HSX và 11 mã trần/66 mã tăng bên cạnh 43 mã sàn/ 175 mã giảm trên HNX.
Xét trên phương diện thông tin hỗ trợ, yếu tố lạc quan hiện tồn tại hết sức mờ nhạt trên thị trường trong tháng 7 này sau con sóng hồi cuối tháng 5 – đầu tháng 6. Thị trường quay trở lại đón nhận các nhận định cứng rắn và có phần hơi tiêu cực về diễn biến kinh tế vĩ mô với dự báo khó khăn đang tiếp tục chờ đợi ở phía trước, kéo theo tâm lý quan ngại bao trùm toàn thị trường. Tháng 7 chứng kiến sự suy kiệt của dòng tiền vào thị trường với lực đỡ duy nhất là thương vụ chuyển nhượng – thâu tóm xung quanh cổ phiếu STB, đóng góp một phần không nhỏ vào thanh khoản của thị trường.
Thị trường đi xuống sát mức thấp của thời kỳ cuối tháng 5 nhưng không vì thế mà thu hút được sự hào hứng từ phía các nhà đầu tư, trái lại, thanh khoản thị trường thường xuyên rơi vào mức thấp với những cụm từ diễn tả như “thấp nhất của năm”, “thấp nhất từ thời kỳ khủng hoảng”…
Ngoài ra, bất chấp việc các chỉ số chính đều đi xuống sát mức thấp nhất của năm nhưng khối tự doanh của các công ty chứng khoán, một nguồn lực quan trọng trên thị trường, vẫn duy trì hoạt động bán ròng trong tháng 7 do những khó khăn mà các công ty chứng khoán đang phải đối mặt. Trong ba tuần cuối của tháng 7, nhóm này đã bán ròng khoảng 26 triệu đơn vị tương đương giá trị 364 tỷ VND. Có thể nói, khi thông tin vĩ mô hỗ trợ không còn, thay vì góp phần vực dậy, khối tự doanh cũng trở thành một gánh nặng đối với thị trường.
Khép lại tháng 7, thị trường chứng khoán tiếp tục bị chi phối bởi những căng thẳng chưa được giải quyết trong vấn đề lãi suất, rủi ro tỷ giá những tháng cuối năm, tình trạng nhập siêu và trên hết là bài toán lạm phát nhức nhối. Chỉ cần có một tín hiệu chuyển hướng tích cực, thị trường sẽ có động lực để thoát khỏi xu hướng sideway hiện nay.