Theo TS. Lê Khắc Côi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội chủ rừng Việt Nam, ngành cao su Việt Nam có diện tích 976.400 ha và sản lượng mủ trên 1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 2,5 tỷ USD và gỗ cao su tái canh trên 1,9 tỷ USD đã gia nhập rất sâu vào thị trường quốc tế. Vì vậy, ngành cao su Việt Nam dù muốn hay không phải điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững của thế giới.
Thực tế, thời gian gần đây không ít doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cao su gặp khó khăn đối với vấn đề mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới bởi lý do chưa đáp ứng được chứng chỉ bền vững (FSC) – đây được coi là xu hướng phát triển chung, phù hợp với quy luật của ngành cao su thế giới theo hướng bảo tồn thiên nhiên.
Bà Trần Thị Thúy Hoa, Trưởng ban Tư vấn phát triển ngành cao su (Hiệp hội cao su Việt Nam – VRA) cho rằng đây là vấn đề các DN cần hết sức lưu ý bởi trong quá trình tìm kiếm khách hàng tiềm năng, ngoài vấn đề được đặt ra về chất lượng, giá cả, nhiều nhà nhập khẩu nguyên liệu cao su còn đề cập đến vấn đề về phát triển bền vững.
Vấn đề không phải là bạn hàng đặt ra thêm quy định mà để bán được sản phẩm, các nhà nhập khẩu nguyên liệu bắt buộc cũng phải đáp ứng yêu cầu về nguồn nguyên liệu đầu vào theo tiêu chuẩn bền vững. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho một số DN xuất khẩu cao su của Việt Nam bị mất đơn hàng vì chưa “cập nhật” theo xu hướng này.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt trên 442.000 tấn, trị giá 647 triệu USD, tăng 22,6% về số lượng nhưng lại giảm 8,4% về giá trị.
Ông Trương Minh Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) cho rằng, rõ ràng việc ngày càng nhiều khách hàng tiêu thụ cao su thiên nhiên và gỗ cao su đòi hỏi người cung cấp cần chứng minh đã đạt được và duy trì liên tục chứng chỉ rừng trồng cao su bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi các DN cao su trong nước phải ý thức cao hơn về vấn đề này.
Thời gian qua, ngành cao su trong nước tuy có nhiều đóng góp về kinh tế, xã hội và môi trường, nhưng cây cao su vẫn còn một số hạn chế theo quan điểm phát triển bền vững của thế giới, nhất là chưa đáp ứng được những tiêu chí về đa dạng sinh học.
Vì vậy, để đáp ứng xu thế mới, trong những năm gần đây DN cao su nói chung và VRG nói riêng đã có nhiều nỗ lực trong việc hợp tác với các tổ chức về phát triển bền vững. Hay như mới đây, VRA đã phối hợp với Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên lấy ý kiến DN hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn quản lý rừng trồng cao su bền vững nhằm hướng đến xây dựng kế hoạch hành động cụ thể cho ngành cao su Việt Nam.
Bàn về vấn đề này, ông Võ Hoàng An, Tổng thư ký VRA chia sẻ thêm thông tin, tại Hội nghị thượng đỉnh cao su thế giới tổ chức hồi tháng 5 vừa qua, 3 nhà nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới đã cùng bàn bạc thống nhất về phát triển bền vững, cũng như công bố chính sách thu mua mới năm 2018 theo chiến lược phát triển này và thực hiện yêu cầu nâng cao dần tiêu chuẩn về nguồn nguyên liệu và sản phẩm.
Đồng thời, xu hướng phát triển cao su bền vững đã được Chính phủ đưa vào hệ thống pháp lý từ cách đây nhiều năm nay như Quyết định 432/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020…
Trong năm 2017, Thủ tướng cũng đã ra Quyết định 419/QĐ-TTg về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng. Trong đó, cao su là 1 trong 4 nông sản được đưa vào thí điểm mô hình phát triển bền vững.
Đặc biệt, Luật Lâm nghiệp sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2019 cũng là căn cứ quan trọng để phát triển và quản lý bền vững cây cao su. Với hành lang pháp lý rộng, mở và sự quan tâm của Chính phù về vấn đề này, tuy nhiên vấn đề chính vẫn là các DN cần thay đổi nhận thức và thay đổi đường lối phát triển để bắt kịp xu hướng của thế giới.