Các số liệu thị trường cho thấy khối ngoại đã quay lại mua ròng phiên hôm nay với 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này tính cả lượng mua thỏa thuận 520.000 đơn vị FPT – trị giá 26 tỷ đồng, nếu không tính giao dịch này thì khối ngoại vẫn bán ròng qua khớp lệnh khoảng 13 tỷ đồng, ngoài ra nhà đầu tư ngoại cũng thỏa thuận nội khối 280.000 đơn vị BBC.
Trừ CII và CTG, hầu hết các mã đứng trong top bán của khối ngoại đều giảm điểm. NĐTNN bán mạnh CII phiên hôm nay với gần 310.000 đơn vị – tương ứng 5,7 tỷ đồng, mặc dù vậy cổ phiếu này chốt phiên vẫn giữ được tham chiếu tại 18.500 đồng. Trong phiên giao dịch hôm nay đã có lúc CII được giao dịch với 18.300 đồng/CP – mức giá thấp nhất trong vòng 52 tuần (1 năm qua) của cổ phiếu này.
Top bán ròng của khối ngoại trên HSX
CTG hôm nay vẫn tăng nhẹ 0,4% nhờ lực cầu của khối nội, trong khi NĐTNN bán ròng gần 140.500 đơn vị ở mã này. Gần đây, CTG công bố KQKD của một số chi nhánh trên kết quả đạt từ 60-70% kế hoạch lợi nhuận cả năm, trong đó có chi nhánh tại TP.HCM tới hết tháng 6 đã đạt 66% kế hoạch lợi nhuận.
Mặc dù các thông tin trên là tích cực song cũng cần lưu ý tới cách thức tạo thu nhập qua hoạt động tín dụng của CTG. Tổng tài sản sinh lãi liên tục tăng lên giúp gia tăng thu nhập lãi thuần, tuy nhiên chất lượng nợ của CTG không được tốt lắm khiến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng liên tục tăng vọt.
Một số chỉ tiêu tín dụng của CTG (Riêng lẻ)
Tỷ VND |
Q1/2011 |
Q4/2010 |
Q3/2010 |
Q2/2010 |
Q1/2010 |
Thu nhập lãi thuần |
4,131 |
3,707 |
2,955 |
3,041 |
2,189 |
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng |
1,983 |
1,939 |
368 |
423 |
281 |
Thu nhập lãi thuần – chi phí dự phòng rủi ro tín dụng |
2,148 |
1,768 |
2,587 |
2,618 |
1,908 |
Tổng tài sản sinh lãi |
343,074 |
296,524 |
272,084 |
244,277 |
223,284 |
Nguồn: StoxPlus
Trong khi thu nhập lãi thuần chỉ tăng trung bình 13,5% từ Q1/2010 tới Q1/2011 thì chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng trung bình 47,8%. Đây không phải là điều tốt và sẽ tác động tiêu cực tới chất lượng lợi nhuận của CTG.
Ngoài CTG, CII, BVH, một số mã có lượng bán ròng lớn trên 100.000 đơn vị có PVF, PPC, HSG, VF4.
Trong khi đó, ngoài FPT được mua mạnh qua thỏa thuận, khối ngoại cũng giải ngân vào ITC với gần 140.000 đơn vị ròng – tương ứng 1,9 tỷ đồng, DVP, DPR, SBT cũng tiếp tục được khối này mua gom.
Top mua ròng của khối ngoại trên HSX
Gần đây FPT vừa giành được hợp đồng Tư vấn xây dựng hệ thống e-mail cho Chính phủ với trị giá 316.000 USD – đây có thể coi là hợp đồng tư vấn có giá trị lớn nhất của FIS (đơn vị phụ trách mảng tích hợp hệ thống của FPT). Năm 2010, lĩnh vực tích hợp hệ thống do FIS thực hiện đóng góp tỷ trọng lớn vào LNTT của toàn tập đoàn FPT – đứng thứ 2 với gần 24% (chỉ đứng sau FTel với 29,7%), và hơn 16% về doanh thu (đứng sau FPT Trading với gần 67%).
Doanh thu và lợi nhuận của các dự án tích hợp đã giành được trong tháng 4 và tháng 5 có thể được ghi nhận vào cuối năm, hiện FIS mới hoàn thành được hơn 38% kế hoạch doanh thu cả năm.