Kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011 – 2016 là nội dung được xem xét tại phiên giám sát.
Theo báo cáo, giai đoạn 2011-2016, đã có 319 Hiệp định được ký kết với tổng giá trị đạt khoảng đạt 33,643 tỷ USD, cao hơn 59% so với mức của thời kỳ 2006 – 2010.
Bình quân trong giai đoạn 2011-2016, vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài chiếm 37,6% tổng chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước.
Đoàn giám sát cho rằng những số liệu trên đã cho thấy nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc vận động, đàm phán, ký kết và quản lý nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới giai đoạn 2011-2016 rất khó khăn.
Trong khâu đàm phán, ký kết Hiệp định với các nhà tài trợ, các cơ quan chủ trì đàm phán cùng các bộ, địa phương đã ngày một nâng cao tính chủ động, kiên quyết, khéo léo, giữ vững quan điểm lập trường trong quá trình đàm phán, thảo luận với nhà tài trợ để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên, hạn chế những bất lợi, khó khăn đối với phía Việt Nam trong quá trình thực hiện một số điều kiện ràng buộc của các nhà tài trợ,bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện và hiệu quả thiết thực của dự án.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã hơn một lần nhấn mạnh hai chữ “xót xa” khi mà theo ông thì nhiều dự án ODA phải chịu sự áp đặt từ tư vấn thiết kế cho đến thi công dẫn đến kéo dài dự án, công nghệ lạc hậu và chi phí lớn.
Nói rõ ODA vay thì phải trả chứ không phải được cho không, ông Phúc nêu quan điểm: nhà nghèo thì phải đi vay nhưng phải giảm dần và tiến dần đến chỗ thôi không vay nữa chứ hiệu quả không cao lắm.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh một hạn chế là Việt Nam vay quá nhiều so với khả năng hấp thu thể hiện ở nhiều con số trong báo cáo, trong khi nhiều nước trong khu vực, kể cả Lào và Campuchia cũng đều giảm dần nguồn vốn này.
Ông Dũng cũng băn khoăn khi phần định hướng, đoàn giám sát cho rằng, trong bối cảnh, nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của đất nước còn lớn trong khi cân đối ngân sách khó khăn, nguồn lực trong nước chưa đáp ứng đủ thì nguồn lực ODA và vay ưu đãi nước ngoài sẽ vẫn là một nguồn lực cần thiết, quan trọng đối với Việt Nam.
“Biết rằng nghèo và thiếu mới đi vay nhưng định hướng thế mạnh mẽ quá viết thế nào cho mềm mỏng chứ Lào và Campuchia họ còn tiến tới không vay ODA”, ông Dũng bình luận đồng thời kiến nghị giảm dần nguồn vốn này, theo xu hướng của tất cả các nước.
“Anh Dũng (Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng – PV) nói hay nhưng làm ngay thì rất là khó, đưa nhận định giảm dần hay tăng cường nguồn vốn này đều phải thận trọng”, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói, từ vị trí điều hành phiên thảo luận.
Bên cạnh các ý kiến trên, tại phiên thảo luận một số vị cho rằng kết quả giám sát cần phải nêu rõ địa chỉ quản lý, sử dụng tốt cũng như chưa tốt nguồn vốn ODA.
Theo kết quả giám sát thì công tác xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn trong nhiều trường hợp chưa sát với nhu cầu thực tế. Từ năm 2015 trở về trước, kết quả giải ngân luôn lớn hơn nhiều so với dự toán được Quốc hội thông qua có những dự án giải ngân gấp nhiều lần kế hoạch vốn. Rồi sau đau đó thì để vượt trần 300.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư từ nguồn ODA giai đoạn 2016 – 2020 đã được Quốc hội quyết định.
Hạn chế thì báo chí nói nhiều rồi nhưng trách nhiệm thuộc về ai và trách nhiệm đến đâu? Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình đặt vấn đề.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị báo cáo giám sát trả lời cho được công tác quản lý vốn có thất thoát không, sử dụng có hiệu quả không, địa chỉ làm tốt và làm chưa tốt ở đâu?
Theo Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển thì việc quản lý, sử dụng ODA bên cạnh kết quả còn nhiều hạn chế, hiệu quả một số dự án còn thấp, khá đắt so với thực tế, thất thoát lãng phí vẫn xảy ra ở các mức độ khác nhau. Ông Hiển cho rằng những hạn chế nêu trên do nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, trong đó có một số nơi cho rằng ODA là vốn được cấp nên sử dụng tương đối thoải mái.
Không chỉ trông vào mỗi ODA, nguồn lực tài chính trong dân cư còn nhiều, nhưng trước mắt ODA vẫn là cần thiết, Phó chủ tịch nói.