Đây là nhà băng mở bàn cho mùa ĐHCĐ của ngành ngân hàng và cũng là tổ chức có tăng trưởng đột biến ở nhiều chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2015.
Đến 14h03 phút, Ban kiểm tra tư cách cổ đông cho biết đã có 56 cổ đông tham dự đại hội, đại diện cho hơn 720 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 85,97% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết . ĐHCĐ thường niên năm 2016 đã đủ điều kiện tổ chức theo quy định pháp luật.
Thay mặt ban điều hành, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc báo cáo cổ đông về kết quả tăng trưởng đột biến trong năm 2015. Cụ thể, cho vay khách hàng đạt 116.804 tỷ đồng, tăng tới 49% so với năm 2014, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,7% dư nợ. Tiền gửi khách hàng tăng tới 20%, đạt 130.271 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng nhanh, đạt 13.389 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2015…
Sự tăng trưởng quá nhanh của VPBank gây ra không ít lo ngại, song ông Vinh nhấn mạnh “ngân hàng vẫn đảm bảo được việc kiểm soát an toàn, rủi ro”.
Năm 2015 VPBank tăng trích lập dự phòng rủi ro nên lợi nhuận trước thuế hợp nhất còn lại gần 3.096 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.396 tỷ đồng.
Năm 2015, VPBank đã chính thức rút khỏi hoạt động chứng khoán (ngân hàng đầu tư), không còn sở hữu chi phối Công ty Chứng khoán VPbank (VPB chỉ còn 11% vốn điều lệ). Ngân hàng đang xúc tiến kế hoạch bán 89% cổ phần tại VPBS và bán 49% tại Công ty tài chính VPBank FC.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank cho biết, hiện ngân hàng đang đàm phán bán cổ phần cho các NĐT chiến lược tại 2 công ty con này. “Chủ trương bán cổ phần tại đây đã được ĐHCĐ năm 2015 thông qua, đang trong quá trình triển khai. Có vài đối tác quan tâm và chúng tôi đang đàm pháp, chưa thể công bố thông tin chi tiết lúc này”- ông Dũng nói.
Sau khi nghe Ban điều hành, HĐQT trình bày các tờ trình, ĐHCĐ đã biểu quyết nhất trí thông qua tất cả các nội dung, gồm: báo cáo kết quả kinh doanh năm 2015 và kế hoạch năm 2016, phương án tăng vốn điều lệ, phân phối lợi nhuận, chia cổ tức bằng cổ phiếu…