Tại Diễn đàn M&A 2018 diễn ra chiều nay (8/8), ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết Chính phủ có chủ trương trình Quốc hội cho sửa Luật Chứng khoán, mục tiêu thông qua trong năm 2019. Dự kiến trong tháng 9, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ được lấy ý kiến rộng rãi.
Trong nội dung của dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, ông Dũng nói sẽ có phần tỷ lệ tham gia nắm giữ cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN). Trước đó, Nghị định 60 cho phép NĐTNN không hạn chế nắm giữ cổ phần doanh nghiệp trong nước, trừ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện như ngân hàng (hạn chế 30%) hoặc bị hạn chế bởi các hiệp định thương mại quốc tế. Song song đó, các quy định của luật còn trao quyền cho các doanh nghiệp được quyền quyết định tỷ lệ sở hữu của NĐTNN trong giới hạn cho phép. Điều này để thấy rằng không có việc lập rào cản cho các doanh nghiệp FDI trong quá trình đầu tư.
Liên quan tới M&A, ông Dũng đánh giá từ khi có thị trường chứng khoán (TTCK), hoạt động này sôi động hơn rất nhiều. Các thương vụ M&A đều có sự liên quan tới các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK. Trong thời gian tới, ông Dũng tin rằng với quyết tâm ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ thì TTCK sẽ có sự phát triển bền vững, ổn định từ nay tới cuối năm.
Theo ông Dũng, hiệu quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết có hiệu quả rõ rệt. Lợi nhuận các DN niêm yết quý II cao hơn cùng kỳ và cao hơn quý I/2018. Nhiều DN niêm yết nằm trong danh sách thoái vốn nhà nước giai đoạn tới, điều đó là yếu tố thúc đẩy M&A.
Ngoài ra trong hai năm 2018 – 2019, Chính phủ sẽ thực hiện quyết liệt cổ phần hóa và thoái vốn. Trong 127 doanh nghiệp nằm trong danh sách thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020, Chính phủ thông tin địa chỉ, số lượng, tỷ lệ bán rõ ràng. Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu phương thức bán đấu giá, ngoài thông qua sàn giao dịch còn tham khảo thêm phương thức book building (phương pháp dựng sổ).
Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ được trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).
Về vấn đề nới room cho NĐTNN, cơ quan soạn thảo luật cho rằng cần có sự thống nhất quan điểm về sở hữu nước ngoài trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện chưa cam kết về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, hoặc không đưa vào Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO và các điều ước quốc tế khác thì chỉ nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100% trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành không hạn chế sở hữu nước ngoài…
|