Phát biểu tại Diễn đàn M&A 2018, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho biết, môi trường M&A tại Việt Nam hoạt động ngày càng mạnh mẽ và thành công với tốc độ tăng trưởng hàng năm 17%. Số lượng thương vụ tăng mạnh với giá trị ngày càng cao. Tổng giá trị ước tính cho các giao dịch M&A năm 2017 là 8,6 tỷ USD.
Trong đó, ông Warrick Cleine đặc biệt nhấn mạnh đến thương vụ lớn nhất năm qua là ThaiBev mua cổ phần Sabeco với giá trị 4,8 tỷ USD. Sau thương vụ này, khả năng thương hiệu Việt Nam sẽ được đẩy mạnh trên thị trường thế giới. Vì vậy ông đánh giá nếu không có M&A, thương hiệu Việt Nam khó xuất hiện như vậy.
Logo và tên thương hiệu Sabeco xuất hiện trên áo đội tuyển Leicester City tại giải Ngoại hạng Anh trong suốt mùa giải 2018 – 2019
Giai đoạn 2007 – 2017, Nhật Bản là quốc gia có số lượng giao dịch M&A lớn nhất tại Việt Nam, chiếm tỷ trọng 29%. Tiếp đến là Singapore 14%, Hoa Kỳ 14%.. Xét về giá trị giao dịch, Thái Lan là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tỷ trọng 47%. Theo sau là Hoa Kỳ 11%.
Trong thời gian tới, ông Warrick Cleine kỳ vọng các nhà đầu tư chính đầu tư vào Việt Nam sẽ là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan. Lĩnh vực được kỳ vọng M&A cao nhất là hàng tiêu dùng nhanh, sau đó tới dược phẩm, công nghệ, bất động sản. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, phân khúc khách sạn, nhà hàng, nhà ở sẽ thu hút nhà đầu tư. Do đó đại diện KPMG cho rằng Chính phủ cần tạo ra khung pháp lý cụ thể hơn trong các năm tới.
Lĩnh vực ngân hàng cũng tạo ra nhiều sức hấp dẫn mới khi Chính phủ ngày càng mở cửa hơn trong lĩnh vực này. Khu vực phi ngân hàng cũng là lĩnh vực thú vị, được nhà đầu tư để ý đến. Ngoài ra, theo lãnh đạo KPMG, lĩnh vực cơ sở hạ tầng do tư nhân tham gia ngày càng được khuyến khích và tạo cơ hội.
Điều gì khuyến khích các nhà đầu tư ưa thích M&A tại Việt Nam? Ông Warrick Cleine tin rằng lý do trước nhất là Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh nhất khu vực ASEAN và sẽ còn tăng trưởng nhiều hơn trong tương lai. Năng lực quản lý tốt, tốc độ tăng trưởng của nhiều công ty tư nhân… là những yếu tố hấp dẫn.
Tuy nhiên, ông Warrick Cleine không quên nhắc tới các thách thức của nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện M&A tại Việt Nam. Trước hết là chất lượng thông tin công bố, cách quản lý sổ sách, quản lý tài sản, quản lý nợ… mà các doanh nghiệp trong nước cung cấp. Các con số được cung cấp đôi khiến nhà đầu tư nghĩ họ bị lợi dụng hoặc bị đưa ra giá quá cao. Do đó, chất lượng thông tin khi hợp tác là vô cùng quan trọng. Các công ty muốn có nhà đầu tư thì cần chia sẻ một cách minh bạch, trung thực.