Sáng 21/9, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã tổ chức buổi hội thảo vai trò và mối liên hệ giữa thị trường phái sinh và thị trường cơ sở. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT của HNX vừa có những chia sẻ về hoạt động của thị trường phái sinh sau hơn 1 năm đi vào hoạt động.
Theo ông Long, chứng khoán phái sinh Việt Nam là một thị trường mới và đang tiếp tục phát triển như các thị trường khác trên thế giới. Hiện nay, kênh đầu tư này đang dần làm tốt các nhiệm vụ như: phòng ngừa rủi ro, cung cấp cơ hội đầu tư ngắn hạn cho nhà đầu tư và bình ổn thị trường cơ sở.
Người đứng đầu HNX cho biết, nhiều công ty chứng khoán đã tham gia giao dịch chênh lệch – arbitrage trên thị trường phái sinh. Điều này sẽ tác động đến giá của các hợp đồng tương lai, qua đó ảnh hưởng tới chứng khoán cơ sở.
Khi cổ phiếu quá nóng, các giao dịch arbitrage trên thị trường phái sinh, khiến chỉ số HĐTL thấp hơn VN30, sẽ là cảnh báo giúp thị trường cơ sở bớt “nóng”. Ngược lại, khi chỉ số thị trường cơ sở thấp hơn HĐTL, điều này có thể tạo tâm lý cho nhà đầu tư yên tâm giao dịch. Diễn biến này thể hiện chức năng bình ổn thị trường của sản phẩm phái sinh.
Mặt khác, thị trường phái sinh cũng đang dần trở thành một kênh rót vốn ngắn hạn và phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư. Thời gian qua, khi chứng khoán cơ sở điều chỉnh, nhà đầu tư có thể tìm kiếm lợi nhuận với sản phẩm phái sinh nhờ cơ chế giao dịch hai chiều. Bên cạnh đó, những nhà đầu tư dài hạn cũng có thể thực hiện phòng ngừa rủi ro (hedging) thông qua thị trường phái sinh khi chứng khoán cơ sở sụt giảm. Đây là nguyên nhân sức cầu và thanh khoản trên thị trường phái sinh tăng mạnh khi thị trường cơ sở sụt giảm. Qua đó, phái sinh đã góp phần giữ chân dòng vốn ở lại thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, do là một thị trường mới nên phái sinh còn nhiều hạn chế vẫn tồn tại như: sản phẩm còn chưa đa dạng, nhiều quan ngại về cách thức vận hành, chức năng của thị trường vẫn được đặt ra, cùng những biến động và tác động giữa phái sinh và chứng khoán cơ sở.