Sau phiên trái chiều đầu tuần mới, các chỉ số chính của phố Wall tiếp tục giằng co nhẹ quanh tham chiếu do tác động trái chiều từ kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa công bố.
Chẳng hạn, cổ phiếu Netflix Inc giảm 5,2% sau khi tăng trưởng thuê bao của công ty giảm, trong khi cổ phiếu của Johnson & Johnson tăng 3,5% sau khi kết quả kinh doanh của công ty chăm sóc sức khỏe vượt dự báo.
Tuy nhiên, về cuối phiên, các chỉ số chính của phố Wall đã bứt lên khi ông Powell phát biểu trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ cho biết, triển vọng của nền kinh tế Mỹ rất lạc quan trong khi lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Người đứng đầu Fed cũng không cho rằng cuộc chiến thương mại sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Kết thúc phiên 17/7, chỉ số Dow Jones tăng 55,53 điểm (+0,22%), lên 25.119,86 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 11,12 điểm (+0,40%), lên 2.809,55 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 49,40 điểm (+0,63%), lên 7.855,12 điểm.
Phát biểu của ông Powell về sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và lạm phát được kiểm soát giúp đồng USD tăng mạnh so với đồng euro, qua đó hỗ trợ cho các công ty xuất khẩu châu Âu, giúp chứng khoán khu vực này tăng điểm trong nửa cuối phiên phiên thứ Ba, đặc biệt là chứng khoán Đức – quốc gia xuất khẩu lớn nhất của khu vực đồng euro tăng tốt nhất. Trước đó, thị trường chứng khoán châu Âu giằng co quanh tham chiếu do tác động bởi kết quả kinh doanh trái chiều của một số doanh nghiệp vừa công bố.
Kết thúc phiên 17/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 25,88 điểm (+0,34%), lên 7.626,33 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 100,52 điểm (+0,80%), lên 12.661,54 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 13,12 điểm (+0,24%), lên 5.422,54 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán tăng điểm lên mức cao nhất 1 tháng ngay khi trở lại sau phiên nghỉ lễ đầu tuần nhờ đồng yên yếu, bù đắp cho đà giảm của các cổ phiếu máy móc và năng lượng do ảnh hưởng từ dữ liệu kinh tế kém tích cực của Trung Quốc và dầu thô giảm, thì chứng khoán Hồng Kông có phiên sụt giảm mạnh và chứng khoán Trung Quốc có phiên giảm thứ 3 liên tiếp do chịu ảnh hưởng từ dữ liệu kinh tế quý II công bố trước đó và thêm giá dầu thô giảm mạnh, kéo nhóm cổ phiếu năng lượng lao dốc theo.
Kết thúc phiên 17/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 100,01 điểm (+0,44%), lên 22.697,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 357,98 điểm (-1,25%), xuống 28.181,68 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 15,92 điểm (-0,57%), xuống 2.798,13 điểm.
Trong khi đó, giá vàng lao dốc mạnh trong phiên thứ Ba, xác lập mức đáy 12 tháng mới sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell điều trần trước Thượng viên Mỹ cho biết, kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ và lạm phát trong khả năng kiểm soát, khiến đồng USD tăng vọt. Phát biểu của ông Powell khiến nhà đầu tư suy đoán, Fed sẽ tiếp tục kế hoạch tăng dần lãi suất.
Kết thúc phiên 17/7, giá vàng giao ngay giảm 13 USD (-1,05%), xuống 1.227,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 12,4 USD (-1,00%), xuống 1.227,3 USD/ounce.
Sau khi lao dốc trong phiên đầu tuần mới do các cảng xuất khẩu dầu của Lybia mở cửa trở lại, giá dầu thô đã ổn định trở lại trong phiên thứ Ba nhờ thông tin kho dự trữ của Mỹ giảm và sản lượng hạn chế của Venezuela.
Giá dầu thô lúc đầu hồi phục tốt khi một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ có thể giảm 3,5 triệu thùng trong tuần trước. Tuy nhiên, giá dầu sau đó đã hạ nhiệt khi số liệu của Viên Dầu khí Mỹ (API) công bố cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 629.000 thùng trong tuần trước, lên 410,7 triệu thùng.
Kết thúc phiên 17/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,02 USD (+0,03%), lên 68,08 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,32 USD (+0,44%), lên 72,16 USD/thùng.