Nhiều ý kiến trái chiều
Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), không có cơ sở về mặt khoa học để giải thích về hiện tượng khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ.
Với kinh tế Việt Nam, trong suốt 40 năm qua có hiện tượng suy thoái kinh tế rơi vào những năm cuối cùng của thập nhiên. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng sự kiện đó tương đối ngẫu nhiên.
Chu kỳ khủng hoảng 10 năm được ông Thành giải thích theo hướng chu kỳ của sự hưng phấn và tâm lý đám đông: “Như các nhà kinh tế nói, 10 năm là khoảng thời gian sự lãng quên có tác dụng. Sau thời kì khủng hoảng, có thể trong 5 năm đầu nhà đầu tư có tâm lý e sợ, năm thứ 6 nhà đầu tư sẽ bắt đầu bớt sợ. Sau đó, ký ức mờ nhạt đi và nhà đầu tư hưng phấn trở lại”. Điều này theo ông Thành có thể thấy rõ qua thị trường chứng khoán và bất động sản đã tăng mạnh trong 2-3 năm trở lại đây. Đến thời điểm này, các thị trường này bắt đầu vào thời kì điều chỉnh.
“Đây có thể là một sự trùng hợp, cũng có thể là tâm lý tổng hợp của đám đông”, TS Nguyễn Đức Thành nhận định.
TS Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cho biết sẽ chủ quan nếu đưa ra nhận định về thời điểm xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới. Nhiều yếu tố không dự báo trước được về mặt địa chính trị đang thay đổi. Dẫn chứng là cuộc chiến thương mại đầy bất ngờ trong khi cuộc chiến tại Siria lại kết thúc sớm hơn lo ngại và vấn đề dầu mỏ của Iran chưa ngã ngũ…
Khủng hoảng kinh tế hay được nhắc tới ở Việt Nam bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997 và khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Hai trường hợp khủng hoảng kinh tế mà Việt Nam chịu tác động đều đến từ thị trường tài chính. Theo ông Kiên, nguyên nhân chịu tác động này đến từ việc tại thời điểm đó thực lực nền kinh tế Việt Nam yếu, “cảm cúm” bên ngoài Việt Nam không miễn dịch được.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định ít có khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ từ những tín hiệu của nền kinh tế.
Bộ trưởng Dũng chỉ ra tình hình tài chính, tiền tệ hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát và được điều hành linh hoạt, thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt, mặt bằng lãi suất ổn định. Thị trường chứng khoán đã có bước điều chỉnh sau một thời gian tăng trưởng nóng; thị trường bất động sản đã có sự hạ nhiệt sau khi Chính phủ có những chỉ đạo quyết liệt đối với các giao dịch nhà đất không đúng quy định.
Người đứng đầu Bộ KHĐT cho rằng đó là những tín hiệu có thể lạc quan về khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế.
Không loại trừ khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế, nhưng ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thông kê cho rằng nếu có, đáy của chu kỳ khủng hoảng sẽ tới từ năm 2021 trở đi thay vì năm 2019 – 2020 như lo ngại.
Ở chiều ngược lại, TS Lê Xuân Nghĩa nguyên Vụ trưởng Vụ Chiến lược Phát triển (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho rằng đã xuất hiện những dấu hiệu có thể đẩy nhanh chu kỳ khủng hoảng kinh tế.
Vị chuyên gia chỉ ra xung đột thương mại, bong bóng của thị trường bất động sản, suy thoái chứng khoán cũng đã xuất hiện. Tình trạng rút vốn ở một số thị trường mới nổi có thể dẫn đến bất ổn tiền tệ ở một số nước. Trên thực tế, bất ổn từ việc rút vốn này đã xuất hiện ở châu Mỹ La tinh và một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á.
Cần cải thiện từ bên trong
Dù có những nhận định khác nhau nhưng các chuyên gia đều cho rằng không thể chủ quan trong bối cảnh kinh tế chính trị thế giới nhiều biến động.
TS Nguyễn Đức Thành cho biết có thể thấy hiện nay cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung có thể còn căng thẳng hơn nữa, không chỉ dừng lại ở vấn đề thương mại. Bởi theo ông Thành cuộc chiến là sự sắp xếp lại trật tự của các cường quốc và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.
“Nhìn lại trạng thái hiện nay tôi cho rằng năm 2019, các chỉ tiêu về tăng trưởng, lạm phát, hoạt động doanh nghiệp không được tốt như năm nay nữa. Bản thân các giới hạn đã bắt đầu bộc lộ”, vị chuyên gia nhận định.
Dù không mấy tin vào quy luật chu kỳ 10 năm nhưng TS Nguyễn Đức Kiên lại đưa ra cảnh báo kinh tế Việt Nam đang tiềm ẩn yếu tố khủng hoảng, thậm chí là tiềm ẩn kép. Dấu hiệu là thị trường chứng khoán trong các tháng đầu năm 2018 tăng trưởng rất nóng. Tốc độ tăng trưởng thực của riêng khối doanh nghiệp trong nước chủ yếu là nhờ nhóm bất động sản, khi sức mua trên thị trường bất động sản giảm sút thì sức khỏe của khối này sẽ gặp vấn đề.
Hơn nữa, Việt Nam còn có thêm một nguy cơ tiềm ẩn khủng hoảng bắt nguồn từ hệ thống ngân hàng. Quy định yêu cầu thu cổ tức vốn nhà nước từ các doanh nghiệp, trong đó có cả 4 ngân hàng thương mại nhà nước nắm giữ vốn lớn, theo ông Kiên sẽ ngăn cản việc tăng vốn tại các ngân hàng, làm chỉ số an toàn tín dụng bị giảm. Các ngân hàng sẽ không đáp ứng được nhu cầu tín dụng của nền kinh tế.
Vị chuyên gia cho rằng cần phát hiện vấn đề và khắc phục, cải thiện từ bên trong nền kinh tế.
TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng điều quan trọng nhất để giảm thiểu các tác động của suy thoái có tính chu kỳ đối với Việt Nam là phải đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế. Đặc biệt là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước, theo nguyên tắc sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực tài chính có hạn vào những mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ.
Các chương trình tái cấu trúc này hiện đang gặp trở ngại rất lớn cả về khung khổ pháp lý, năng lực thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh.
Mặc dù Chính phủ đã có nhiều cố gắng nhưng tiến trình tái cơ cấu vẫn còn khá chậm chạp và kết quả khiêm tốn so với mục tiêu đề ra.
“Nếu các chương trình cải cách này không được xúc tiến mạnh mẽ, không những hiệu ứng của suy thoái kinh tế mang tính chu kỳ trầm trọng hơn mà tiềm năng phát triển dài hạn cũng sẽ bị suy giảm”, ông Nghĩa nhận định.