LTS: Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung ngày càng có diễn biến căng thẳng khiến nguy cơ về môi trường thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia dần hiện hữu.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt chịu ảnh hưởng từ hai nền kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc, có ý kiến cho rằng, Việt Nam nên phá giá đồng nội tệ để kích thích xuất khẩu. Báo Đầu tư Chứng khoán xin giới thiệu bài viết của TS. Hồ Quốc Tuấn về vấn đề này.
Phá giá sẽ gây bất ổn tài chính và lạm phát
Gần đây, có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung hiện tại, Việt Nam có thể chủ động điều chỉnh tỷ giá, giúp điều kiện thương mại của Việt Nam được cải thiện, kích thích xuất khẩu, góp phần cho tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, ý kiến này dựa trên giả định, điều chỉnh tỷ giá sẽ thúc đẩy được tăng trưởng qua kênh xuất khẩu.
Lý luận phá giá giúp ích cho xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế là hết sức giới hạn và cần được hiểu đúng. Nó xuất phát từ một mô hình toán kinh tế đơn giản một thời điểm (single-period model) với hàng chục giả định và ràng buộc rất khắt khe. Nghĩa là, nó chỉ đúng ở một tình huống nhất định như các quốc gia có hàng hóa đồng nhất có tính thay thế được, độ mở nền kinh tế như nhau và hoàn toàn vắng bóng các yếu tố về dòng vốn, nợ công hay ảnh hưởng tới lạm phát.
Cho đến hiện tại, ngày càng nhiều nghiên cứu định lượng cho thấy, phá giá dẫn đến hiệu ứng tiêu cực nhiều hơn tích cực. Tại Anh, đồng tiền nước này từng mất giá nhiều lần trong 10 năm trở lại đây (có lúc phá giá chủ động, có lúc là mất giá mạnh do Brexit), nhưng không cải thiện được cán cân thương mại, mà còn thâm hụt thêm. Đó là vì tỷ giá chỉ là một phần trong toàn bộ bài toán xuất khẩu và tác động của việc đồng nội tệ mất giá lên xuất khẩu không phải là mối quan hệ tuyến tính, cứ đồng tiền mất giá là xuất khẩu giảm.
Nền sản xuất của Việt Nam dựa nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu và máy móc, thiết bị (ước tính khoảng 60% trong tổng nhập khẩu là nguyên vật liệu, nhập khẩu máy móc, thiết bị trên 30%, nhập khẩu tiêu dùng chỉ khoảng 7 – 8%), vì vậy phá giá có thể sẽ tác động xấu, thay vì tốt đến cán cân thanh toán và tăng trưởng kinh tế.
Chuyên gia Bùi Trinh đã có tính toán rằng, VND mất giá 2% sẽ khiến chi phí trung gian chung của nền kinh tế tăng lên do giá trị nhập khẩu tăng và chỉ số giá sản xuất (PPI) ở chu kỳ đầu tiên tăng lên 0,45%, chu kỳ sản xuất tiếp theo tăng lên 0,65%, tổng ảnh hưởng 1,1% và tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế có thể bị giảm 1,2 – 1,6%. Như vậy, phá giá nội tệ có thể sẽ làm tăng chi phí sản xuất và làm giảm GDP, chứ không phải là tăng.
Đó mới chỉ là ở khía cạnh phá giá và xuất khẩu. Ảnh hưởng xấu nhất của phá giá là làm mất đi niềm tin của người dân vào đồng nội tệ và khiến nhà đầu tư quốc tế cho rằng, Việt Nam đang bất ổn.
Khi vốn ngoại rút ra khỏi Trung Quốc và Nhân dân tệ mất giá mạnh cuối năm 2016, tờ Wall Street Journal đã có bài viết cho rằng, phá giá Nhân dân tệ sẽ làm tình hình tồi tệ hơn ở Trung Quốc vì đồng nội tệ mất giá sẽ làm tăng bất ổn về tài chính (nợ công và tư bằng ngoại tệ, thúc đẩy lạm phát), phá hủy niềm tin vào Ngân hàng Trung ương (NHTW) và khiến nhà đầu tư quốc tế cảm thấy tình hình Trung Quốc bất ổn.
Bất ổn về tài chính và mất niềm tin vào năng lực điều hành của NHTW là hai yếu tố đáng lo ngại. Khi người dân mất niềm tin vào đồng nội tệ và năng lực điều hành của NHTW, những cam kết và thông điệp về tỷ giá của NHTW sẽ mất đi hiệu lực. Nếu niềm tin vào tuyên bố giữ ổn định VND của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bị suy giảm, đô la hóa sẽ gia tăng và người dân nhiều khả năng đổ xô đi mua vàng, ngoại tệ, khiến bình ổn ngoại tệ nằm ngoài tầm tay của NHNN. Hơn nữa, việc người dân đổ tiền vào vàng, ngoại tệ thì nguồn tiết kiệm VND sẽ khan hiếm, nền kinh tế thiếu vốn, lãi suất phải tăng và tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực.
Trong những lần trò chuyện với chuyên gia kinh tế của một số quỹ đầu tư ở Anh và Thụy Điển, tôi được biết, điều mà họ quan tâm ở một quốc gia là liệu rằng tỷ giá, lạm phát, tăng trưởng kinh tế có ổn định về lâu dài hay không. Đó là những biến số trong mô hình đánh giá ổn định tài chính của họ.
Nói như một nhà phân tích ở Hồng Kông mà tôi biết, nôm na là khi tiền một nước mất giá 3 – 4%, các nhà kinh tế của các quỹ đầu tư sẽ tự hỏi, liệu tiền của nước đó có mất giá tiếp hay không và sẽ bảo với các nhà quản lý quỹ là hãy tránh xa nước đó, nếu họ không biết chắc câu trả lời. Bất ổn về tài chính chuyển thành rút vốn đầu tư chẳng qua cũng chỉ đi qua con đường như vậy. Người ta sợ cái mà người ta không biết chắc.
Ở một khía cạnh khác, nội tệ mất giá cũng có thể đẩy lạm phát tăng lên (thông qua việc làm tăng chi phí trung gian nhập khẩu và đẩy kỳ vọng lạm phát tăng lên). Lạm phát tăng sẽ kéo lãi suất tăng theo, tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán và nhà đất do nó làm chi phí các khoản vay mua chứng khoán và nhà đất tăng theo.
Trong bối cảnh tín dụng bất động sản Việt Nam tăng cao như mấy năm trước, đây là thời điểm xấu để chuyện này diễn ra. Đó là chưa kể, lạm phát luôn đi kèm với nhiều bất ổn xã hội khác và làm xói mòn niềm tin của người dân vào Chính phủ. Bài học của Venezuela gần đây còn rất rõ ràng.
Tóm lại, ý tưởng phá giá nội tệ 2 – 3% như ai đó đề xuất sẽ khiến Việt Nam đến gần với bất ổn tài chính hơn là giúp ích cho tăng trưởng kinh tế.
Cần đẩy nhanh cải cách kinh tế
Phá giá nội tệ về cơ bản chỉ là giải pháp đối phó tình thế, chứ không phải giải pháp căn cơ. Tôi tâm đắc với quan điểm của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là chúng ta không thể chạy đua theo con đường điều chỉnh tỷ giá với các nước, mà phải tập trung giữ ổn định vĩ mô ở mức tốt nhất có thể. Nếu thị trường biến động quá mức kiểm soát thì có thể linh hoạt để tỷ giá tăng lên tùy từng thời điểm, nhưng tuyệt đối phải duy trì quan điểm không
phá giá.
Với tiềm lực hiện tại về dự trữ ngoại hối của Việt Nam và nguồn USD đổ vào trong năm qua, khả năng duy trì tỷ giá tương đối ổn định là có thể được.
Thay vì phá giá nội tệ, Việt Nam có thể đẩy nhanh tiến trình cải cách, gỡ bỏ giấy phép con và làm cho việc nộp thuế, đăng ký kinh doanh thuận tiện hơn cho doanh nghiệp. Điều đó sẽ phát đi tín hiệu về quyết tâm đẩy nhanh cải cách của Chính phủ.
Cách đây vài ngày, trên tờ Nikkei Asian Review, tác giả William Pesek cho rằng, chiến tranh thương mại có thể ảnh hưởng đến những công ty Hàn Quốc có vị thế quan trọng ở Việt Nam như Samsung hay LG.
Do đó, Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách kinh tế, đẩy nhanh cổ phần hóa để giảm các công ty nhà nước kém hiệu quả, giảm hoạt động ngân hàng ngầm (cho vay không qua kênh ngân hàng), gia tăng minh bạch và đầu tư nhiều vào vốn nhân lực để duy trì tính hấp dẫn của Việt Nam đối với đầu tư nước ngoài.
Về cơ bản, những đề xuất đó hàm ý rằng, Việt Nam phải đoạn tuyệt với cách nghĩ duy trì tăng trưởng bằng bơm tiền hay phá giá, mà phải bằng những cải cách, tái cấu trúc căn cơ và đầu tư vào nguồn lực con người. Thay vì xem xét ý tưởng phá giá, hãy tập trung phá đi các rào cản hạn chế doanh nghiệp và cá nhân phát triển, chẳng hạn giấy phép con và các thủ tục thuế phiền hà.