Khi nhà đầu tư dễ quên tên mã
“Em thấy cổ phiếu D được không? Hình như thị trường không để ý đến mã này?”. Một nhà đầu tư gọi điện hỏi phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về mã cổ phiếu nghe… lạ lạ, nên đành phải xin phép dành thời gian đọc báo cáo về doanh nghiệp trước khi trả lời.
Thực tế, một loạt mã chứng khoán trên thị trường, nhất là những cổ phiếu có quy mô vốn hóa nhỏ, khối lượng giao dịch ở mức thấp, không có lịch sử biến động giá lớn và đặc biệt, kết quả kinh doanh không thực sự xuất sắc, đều rơi vào tình trạng chung: dần dần bị thị trường quên lãng.
Sàn chứng khoán MBS trên tầng 3 Tòa nhà MB, Liễu Giai (Hà Nội) luôn có một nhóm nhà đầu tư bám sàn ngồi tại đây. Những nhà đầu tư này là nhóm hiếm hoi các nhà đầu tư cá nhân có quy mô vốn trung bình và lớn, gắn bó với các công ty chứng khoán từ những ngày đầu thành lập, kể từ khi còn Công ty Chứng khoán Thăng Long. Họ vẫn duy trì thói quen lên sàn hàng ngày, theo dõi các hội thảo về chứng khoán, nhưng không phải mã nào trong số này, các nhà đầu tư cũng nắm được.
“5 năm trở về trước, anh có thể đọc từng mã chứng khoán, với ngành nghề gì, quy mô doanh thu – lợi nhuận ra sao, đặc điểm như thế nào… Giờ thì không thể đọc được toàn bộ các mã như thế nữa”, anh H, một nhà đầu tư tại đây chia sẻ.
Với những nhà đầu tư bám sàn, các mã mới sẽ dễ được chú ý. Thế nhưng, quy mô vốn hóa của DN không lớn, hoạt động kinh doanh không quá đặc biệt, với mức lợi nhuận không vượt trội, nhất là diễn biến giao dịch không gây chú ý trong thời gian đầu… sẽ khiến “mã mới” dễ dàng rơi vào lãng quên.
“Đôi khi bọn mình quên thật. Bởi vì, bảng điện tử cho phép theo dõi danh mục mình ưa thích, nên đôi khi không nhìn cả bảng giá. Trong khi đó, các bộ lọc chứng khoán lại chạy theo những cái nhất và bất thường, nên những mã không có gì đặc biệt sẽ sớm bị loại ra khỏi sự chú ý”, chị Trần Ngọc Hoa, một nhà đầu tư bám sàn từ năm 2006 cho biết. Sự phát triển của các công cụ lọc tại các công ty chứng khoán và bùng nổ hàng mới niêm yết khiến áp lực được biết đến của các mã chứng khoán mới ngày một lớn.
Làm cách nào để cổ phiếu DN mình không bị lãng quên?
Với các DN mới chào sàn, dũng cảm bước ra ánh sáng từ vùng an toàn thông thường là lựa chọn đi kèm với những kỳ vọng tài chính cho DN. Chẳng hạn, lên sàn là để huy động vốn hoặc cho ông chủ doanh nghiệp dễ… thoái vốn trên sàn. Để đạt được 1 trong 2 yếu tố này (hoặc cả 2), điều kiện đặc biệt quan trọng là DN phải được nhiều nhà đầu tư biết đến và nhận được sự quan tâm từ thị trường (một cách tự nhiên hoặc có chủ đích). Và đây có lẽ là một trong những lý do quan trọng giúp dịch vụ IR (quan hệ nhà đầu tư) đang ngày một phát triển.
Trưởng bộ phận dịch vụ khách hàng của một công ty chứng khoán, chuyên làm mảng ngân hàng đầu tư (IB), trong một cuộc gặp với lãnh đạo DN để chào dịch vụ IR đã đưa ra danh sách tới 10 tiêu chí để DN tự đánh giá, nhằm xem xét khả năng xây dựng và phát triển hình của của DN với công chúng nhà đầu tư, trong đó có yếu tố về lượng cổ phiếu tự do bên ngoài, đặc điểm ngành nghề, hiệu quả kinh doanh, sự nổi bật của lãnh đạo DN, tần suất xuất hiện trên các phương tiện truyền thông… Thậm chí, còn là cả khả năng cung cấp tiền, hàng nhằm sẵn sàng mua cổ phiếu khi giá xuống và duy trì thanh khoản (hoạt động tạo lập).
Xây dựng hình ảnh DN hiệu quả tốt và duy trì khả năng kiểm soát của hình ảnh ấy trên TTCK là áp lực mà các lãnh đạo DN phải chịu khi đưa cổ phiếu lên sàn, bên cạnh sức ép minh bạch và tiêu chí quản trị cao hơn.
“Hầu hết lãnh đạo DN đều nói muốn tăng minh bạch, chất lượng quản trị khi niêm yết, nhưng tôi cho rằng, bài toán lớn nhất vẫn là làm cách nào duy trì dòng tiền cho DN và hình ảnh của DN trên sàn. Áp lực để duy trì sức hấp dẫn đang ngày một lớn lên và có lẽ sẽ lớn hơn cả với những DN mới chào sàn nếu không muốn bị nhanh chóng lãng quên”, anh Trí Phương, nhà đầu tư tại MBS nói.