Thông tin về hoạt động cho vay tín chấp, VietinBank cho biết, khách hàng có thể được vay vốn từ 12 – 48 tháng, hạn mức vay vốn linh hoạt từ 10 – 300 triệu đồng, lãi suất từ 0,8 – 1,6%/tháng (9,6 – 19,2%/năm, PV). Thời gian giải ngân nhanh chóng chỉ từ 24 – 48 giờ. Thủ tục hồ sơ vay vốn gồm chứng minh thư nhân dân; sổ hộ khẩu; hợp đồng lao động, hoặc quyết định tuyển dụng, nâng lương của cơ quan nhà nước; sao kê lương 3 tháng gần nhất, hoặc xác nhận lương của công ty…
Lãi suất cho vay tín chấp trong khối ngân hàng 100% vốn nước ngoài như Citi Bank vào khoảng 18%/năm, ANZ là 20%/năm.
Mức lãi suất cho vay tín chấp cao, theo ông Đào Gia Hưng, Phó giám đốc khối SME, VPBank, là do các rủi ro đối với hoạt động cho vay tín chấp cao hơn so với các sản phẩm khác. Tuy nhiên, các rủi ro luôn được các ngân hàng tính toán, đằng sau mỗi quyết định cho vay là một “chu trình tín dụng”.
Chu trình tín dụng này được tính bắt đầu từ lúc tiếp cận khách hàng, đến thẩm định, tiếp đến là xét duyệt và bấm nút để tiền chạy từ ngân hàng vào tài khoản khách hàng. Sau khi giải ngân, Ngân hàng có nhiều giải pháp quản trị rủi ro của khoản vay như giám sát việc sử dụng vốn của khách hàng.
Đây là gọi là giám sát mềm, vì khách hàng đang sử dụng vốn bình thường. Khi một số khách hàng bắt đầu có khó khăn và không trả nợ đúng hạn VPBank thực hiện phân hạng nợ của các khách hàng. Mỗi giai đoạn nợ, VPBank sẽ có những hướng riêng để thu hồi nợ…
“Ngân hàng cho vay tín chấp và cho vay theo cách tiếp cận nhanh chắc chắn tỷ lệ rủi ro sẽ cao hơn. Tuy nhiên, ngân hàng có nhiều cách để bù đắp rủi ro và tính toán dựa trên các mô hình để xem đâu là mức có thể chấp nhận được, từ đó ngân hàng sẽ cân nhắc đến quyết định cho vay”, ông Hưng nói.
Đối với VPBank, ông Hưng cho biết, lãi suất chỉ bù đắp được một phần rủi ro với khoản nợ xấu, còn lại Ngân hàng vẫn phải dựa vào khách hàng tốt. Khi cho 10 khách hàng vay, nếu có 2 khách hàng mất vốn thì Ngân hàng dựa vào 8 khách hàng còn lại để bù rủi ro từ 2 khách hàng kia.
Chiến lược của VPBank trong cho vay tín chấp là bằng cách triển khai một số lượng lớn khách hàng, khi đó rủi ro sẽ được trung hòa, từ đó giúp cho lợi ích của Ngân hàng vẫn được đảm bảo, mà không quá chăm lo về mặt lãi suất.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, cho vay tín chấp là một sản phẩm quan trọng trong hoạt động của một ngân hàng, đáp ứng nhu cầu thực tế của khách hàng và hạn chế tín dụng “đen”, cho vay nặng lãi trong xã hội.
Chẳng hạn, tiểu thương buôn bán ngoài chợ cần gấp khoản vốn 20 – 30 triệu đồng, mà không có tài sản thế chấp đã có thể gõ cửa ngân hàng, thay vì tìm đến tín dụng đen như trước kia. OCB tới đây sẽ đẩy mạnh cho vay tín chấp tới gần 4 triệu khách hàng Việt Nam thông qua việc cho vay từ thẻ tín dụng
“Rủi ro cho vay tín chấp cao, nhưng tùy từng đối tượng khách hàng mà lãi suất được áp dụng cao hay thấp. Tuy vậy, hình thức cho vay này lãi suất không quá cao trong các ngân hàng. Cho vay tín chấp thực tế chiếm tỷ trọng thấp trong ngân hàng nên cũng không thể nói hình thức cho vay mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng”, ông Tùng nói.
Lãnh đạo cao cấp một ngân hàng TMCP cho biết, khi triển khai hình thức cho vay tín chấp, ngân hàng hướng đến việc mở rộng hoạt động tín dụng theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước khuyến khích cho vay cá nhân, tổ chức kinh tế có tình hình tài chính, kinh tế ổn định, lành mạnh.
“Lợi ích mang về cho ngân hàng từ hoạt động cho vay tín chấp không hẳn là khoản lãi cao, mà là lượng khách hàng tốt. Những khách hàng này sẽ mang đến cho ngân hàng những lợi ích khác khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng như gửi tiết kiệm, thanh toán dòng tiền… qua ngân hàng”, vị lãnh đạo trên nói.