Đã nới lỏng nhiều lần
Theo cập nhật gần nhất của NHNN, dư nợ cho vay xuất khẩu vào cuối tháng 5/2018 đã tăng 17,12% so với đầu năm và chiếm tỷ trọng 3,84% trong tổng dư nợ, tức hơn 258.000 tỷ đồng. Nếu quy đổi theo tỷ giá trung tâm vào cuối tháng 5 thì con số này tương đương với 11,43 tỷ USD.
Thống kê trước đó vào tháng 8/2017 cũng cho thấy dư nợ xuất khẩu là 207.000 tỷ đồng, tương đương 9,2 tỷ USD. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đến một năm, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xuất khẩu tính theo đô la Mỹ đã tăng thêm 2,2 tỷ USD (tăng 27%).
Chính vì vậy mà trước đây NHNN đã nhiều lần ban hành các thông tư chấm dứt cho vay ngoại tệ đối với nhóm khách hàng xuất khẩu, nhưng sau đó phải tiếp tục gia hạn.
Với lãi suất cho vay ngoại tệ trong giai đoạn trước đây thấp hơn tiền đồng từ 5 – 6%, thì chính sách này được duy trì sẽ giúp nhóm doanh nghiệp xuất khẩu được hỗ trợ đáng kể về tài chính. Lượng ngoại tệ trước đây nằm tại các ngân hàng là khá lớn, nếu đột ngột cắt đứt đầu ra lượng tiền này thì các ngân hàng có thể bán lấy tiền đồng để cho vay nếu muốn tối ưu hóa việc sử dụng vốn. Điều này sẽ đưa đến rủi ro tiềm ẩn thanh khoản ngoại tệ khi các ngân hàng rơi vào tình trạng âm ngoại hối lớn và cũng tác động lên thị trường ngoại hối.
Thời gian trước, niềm tin vào tiền đồng còn thấp, người đầu cơ tự do tận dụng nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghệp thường lên cao vào cuối năm để gây áp lực lên thị trường ngoại hối, trong khi dự trữ ngoại hối có hạn nên NHNN cũng sử dụng chính sách gia hạn cho vay ngoại tệ như là một giải pháp ổn định tâm lý thị trường, từ đó kiểm soát tỷ giá theo mục tiêu.
Chưa thể cắt đứt ngay?
Theo Chỉ thị 04 mới ban hành vào đầu tháng 8, với mục tiêu hạn chế tình trạng đô la hóa và vàng hóa, NHNN một lần nữa nhắc lại yêu cầu kiểm soát chặt cho vay bằng ngoại tệ, giảm dần và có lộ trình chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ.
Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mới được ban hành cũng cho thấy yêu cầu giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, càng cho thấy mục tiêu quyết tâm chuyển từ vay gửi ngoại tệ sang mua bán đứt đoạn.
Bối cảnh của nền kinh tế hiện nay đã khác. Về mặt lãi suất, cho vay xuất khẩu thời gian qua luôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên của NHNN và có lãi suất giảm dần qua các năm. Hiện tại trần lãi suất theo quy định đối với nhóm này chỉ còn 6,5%/ năm, thậm chí một số ngân hàng chỉ áp dụng ở mức 6,0%/năm.
Rõ ràng với mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhiều trong thời gian qua, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên, giúp chênh lệch giữa lãi suất cho vay tiền đồng và ngoại tệ thu hẹp đáng kể so với giai đoạn trước là trong khả năng doanh nghiệp chịu đựng được.
Với quy định trần lãi USD về 0% từ cuối năm 2015, lượng tiền gửi này đã chuyển dịch dần sang VND. Thống kê cũng cho thấy huy động vốn ngoại tệ của toàn ngành liên tiếp sụt giảm từ đó đến nay, do đó việc cắt đứt cho vay ngoại tệ vào thời điểm này sẽ không gây ra e ngại có thể đẩy các ngân hàng phải bán ngoại tệ chuyển sang tiền đồng cho vay và rơi vào trạng thái âm ngoại hối như trước.
Thậm chí thời gian qua, tuy nguồn vốn ngoại tệ khiêm tốn nhưng nhiều ngân hàng do tăng trưởng cho vay ngoại tệ nên dẫn đến vay vốn ngoại tệ trên thị trường 2 hoặc mua ngoại tệ để có nguồn cho khách hàng vay, dẫn đến trạng thái dương ở mức cao và gây áp lực lên tỷ giá.
Với việc kiểm soát khá tốt tỷ giá trong gần 3 năm qua, niềm tin vào tiền đồng đã được củng cố, lượng dự trữ ngoại hối cũng đã tăng lên đáng kể và lực đầu cơ ngoại tệ cũng đã triệt tiêu dần. Vì thế quyết định chấm dứt cho vay ngoại tệ theo đúng quy định vào cuối năm nay là hợp lý.
Tuy nhiên, một yếu tố cũng cần lưu ý là diễn biến thị trường ngoại hối trong hai tháng gần đây khá phức tạp, đặc biệt trên thị trường tự do. Tỷ giá đã có tín hiệu khá nóng theo diễn biến của đồng USD trên thị trường quốc tế.
Với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể còn hai lần tăng lãi suất trong 4 tháng còn lại, thì đồng USD có thể sẽ tiếp tục tăng, khiến việc điều hành tỷ giá gặp nhiều thách thức, đặc biệt cộng thêm áp lực từ rủi ro chiến tranh thương mại và khủng hoảng tiền tệ tại các nền kinh tế khác.
Nhà điều hành thời gian qua đã ít nhiều sử dụng các biện pháp can thiệp và trong trường hợp cần thiết cũng không loại trừ khả năng NHNN có thể lại gia hạn cho vay ngoại tệ như là một giải pháp để ổn định thị trường, tuy nhiên theo quan điểm người viết thì khả năng trên là khá thấp.