Thị trường ngân hàng hiện đang có một số tín hiệu mà theo giới chuyên môn, ngoài những yếu tố như chính sách tài khóa, sẽ tác động đến mặt bằng lãi suất chung: Lạm phát được dự báo có thể cao hơn nếu giá điện tăng và điều này liệu có tác động đến lãi suất tương lai, chưa hề được tính. Áp lực giá từ các mặt hàng theo mùa vụ trong rổ CPI như y tế, giáo dục…đến “kỳ” tăng.
Lãi vay đã thực giảm?
Trên thị trường, khoảng “gạch nối” lãi suất của cuối năm 2017 và đầu 2018 được gắn với kỳ vọng về giảm lãi suất cho vay, khá đáng kể, với các tín hiệu: Thứ nhất, NHNN đưa ra thông điệp phấn đấu hạ lãi suất cho vay và các động thái hỗ trợ một số TCTD đủ điều kiện để hạ lãi suất cho vay, như một trong những mục tiêu trọng tâm trong định hướng điều hành của năm. Thứ hai, một số ngân hàng cũng công bố hạ lãi suất sau thông điệp của NHNN, điển hình là Vietinbank, BIDV, Vietcombank, Agribank, VPBank, SHB,…
Tuy nhiên, thống kê tuần từ ngày 8-12/01/2018 chỉ ghi nhận một vài ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn,…
Sau Tết nguyên đán Mậu Tuất và sau hơn 2 tháng thị trường tiếp nhận thông tin hạ lãi suất, tuần 26/02-02/03/2018 cho thấy, các cột mốc lãi suất xét trên mặt bằng chung với các con số y nguyên. Vậy mức giảm lãi suất mà các ngân hàng đã áp dụng tại sao không chi phối hay tác động nào đến mặt bằng lãi suất chung? Cần nhớ là trong nhóm ngân hàng công bố hạ lãi suất cho vay, dẫn đầu vẫn là các ngân hàng “quyền lực” hiện chiếm 50% tổng dư nợ tín dụng trên toàn hệ thống. Có thể phủ nhận sự chi phối về mặt bằng lãi suất nếu nhóm này thực sự có động thái điều chỉnh lãi suất, điều đó là câu hỏi.
Và có thể giảm thêm?
Bản thân các ngân hàng, mặc dù được công bố lãi cao, thanh khoản tốt, từ tuần đầu tháng 3 đến nay, cầu huy động vốn của nhiều tổ chức quy mô nhỏ như Ngân hàng Phương Đông, Bản Việt, Đông Á, SCB, NCB… đã cho thấy tín hiệu tăng cạnh tranh bằng lãi suất với các chương trình ưu đãi, khuyến mãi, cộng thêm, mức chênh lệch lãi suất cùng kỳ hạn so với nhóm các ngân hàng lớn đạt mặt bằng dao động từ 2,3-2,6%. Tuy chưa thể nói được sự phân hóa mặt bằng chênh lệch lãi suất cho vay này giữa các nhóm sẽ “thắp lửa” một cuộc đua cạnh tranh lãi suất trong tương lai, song khi giá vốn mà ngân hàng huy động tăng lên, thì hoặc ngân hàng phải chấp nhận co hẹp biên lợi nhuận nếu vẫn giữ đầu ra thấp, hoặc sẽ phải điều chỉnh tăng lãi suất cho vay, cân đối hòa giữa hai đầu cung-cầu vốn.
Ngoài ra, một chuyên gia đánh giá, ẩn số lãi suất của Việt Nam hiện cũng đang còn phụ thuộc vào FED. Tuy nói rằng việc điều chỉnh lãi suất của FED không mấy ảnh hưởng đến Việt Nam, nhưng những phiên tỷ giá trung tâm tăng ngoài dự đoán vừa qua cho thấy, tác động tâm lý đối với tỷ giá vẫn có thể xảy ra. Doanh nghiệp, vốn phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng, đang khá hồi hộp theo dõi những bảng lãi suất thực đang và sẽ áp cho thị trường.