Chuyển động mới trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Email thông báo lợi suất trái phiếu do một doanh nghiệp bất động sản phát hành được một công ty chứng khoán gửi tới các khách hàng mới đây, với lợi suất đầu tư kỳ hạn 12 tháng hơn 9%/năm. Mức vốn đầu tư tối thiểu yêu cầu là 200 triệu đồng.
Ở một công ty chứng khoán khác vốn khá có thế mạnh trong lĩnh vực này, số trái phiếu doanh nghiệp chào bán tới các nhà đầu tư đã lên khoảng 30-40 sản phẩm. Không chỉ ở CTCK, một người gửi tiền khi đến giao dịch tại ngân hàng đúng dịp cũng có thể được nhân viên giới thiệu đầu tư sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp.
Một thực tế thời gian gần đây là sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp đang được bán rộng rãi hơn tới nhiều đối tượng. Trái chủ của nhiều doanh nghiệp ngoài ngân hàng còn có doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ đầu tư, nhà đầu tư cá nhân…
Nguyên nhân cũng một phần bởi các ngân hàng – người mua chính các trái phiếu doanh nghiệp trước đây – bị hạn chế hơn khi rót vốn vào sản phẩm này. Thông tư 15/2018 có hiệu lực ngày 2/8 đã yêu cầu kiểm soát nội bộ chặt chẽ và nghiêm cấm các ngân hàng mua trái phiếu DN để đảo nợ. Hơn nữa, khi lãi suất trái phiếu Chính phủ hay lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm và ở mức thấp như vài tháng trước, lợi suất cao hơn cũng là nguyên nhân khiến trái phiếu doanh nghiệp trở nên hấp dẫn.
Đi kèm với việc đưa trái phiếu doanh nghiệp tới đại chúng, hiện đã có nhiều hơn các tổ chức phát hành niêm yết trái phiếu trên sàn chứng khoán. Số liệu thống kê trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM cho thấy, hiện đã có tổng cộng 10 tổ chức phát hành niêm yết 45 loại trái phiếu trên sàn này.
Nếu như trước đó sân chơi trái phiếu doanh nghiệp niêm yết chỉ có sự tham gia của một vài cái tên như Vingroup, CII, HIFC thì ngay cả những đơn vị chưa niêm yết cổ phiếu như Anco, TTC Edu cũng góp mặt. Từ năm 2017, tổng cộng có thêm 19 trái phiếu với giá trị niêm yết 17.730 tỷ đồng được lên sàn.
Vẫn chờ một cú bật
Bóc riêng một góc nhỏ là nhóm các trái phiếu doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn, điểm tích cực có thể thấy là thanh khoản trên thị trường này đã sôi động hơn với khối lượng giao dịch 8 tháng đầu năm xấp xỉ cả năm trước. KLGD của thị trường trái phiếu niêm yết quý II tăng 61% cùng kỳ.
KLGD của thị trường trái phiếu niêm yết quý II gấp 1,61 lần cùng kỳ – Nguồn: HoSE
Quy mô trái phiếu niêm yết ở HoSE cũng tăng nhanh so với thời gian trước, xấp xỉ 22.482 tỷ đồng. Nhưng nhìn sang quy mô cổ phiếu cùng sàn, giá trị trái phiếu niêm yết chỉ tương đương 3,06%.
Quy mô toàn bộ thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện xấp xỉ 1,25% GDP. Trong khi vốn tín dụng tương đương khoảng 130% GDP. Vốn huy động từ thị trường chứng khoán dù vẫn khiêm tốn nhưng cũng đã xuất hiện nhiều hơn các thương vụ tỷ đô chào bán cổ phần. Bên cạnh việc giá cổ phiếu tăng và sự gia nhập của nhiều doanh nghiệp mới, số tiền có thêm nhờ phát hành cổ phiếu mới cũng là một yếu tố giúp vốn hóa thị trường chứng khoán có thời điểm vượt mức 70% GDP.
Xét về cả giá trị tuyệt đối và tỷ trọng so với GDP, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đều thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia trong khu vực. Tại Malaysia, thị trường này có quy mô tương đương hơn 40% GDP.
Quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam thấp hơn đáng kể so với nhiều nước-Nguồn HSC
Băn khoăn về một thị trường trái phiếu doanh nghiệp chậm lớn đã trở thành vấn đề được tập trung thảo luận trong Diễn đàn thị trường vốn và tài chính tổ chức gần đây khi các chuyên gia bàn về các kênh huy động vốn phi ngân hàng và sự mất cân đối của nền kinh tế khi quá phụ thuộc vào tín dụng.
Điều mà thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu hiện nay được nhiều chuyên gia nhắc tới cũng chính là câu chuyện minh bạch, sự thiếu vắng một cơ quan xếp hạng tín nhiệm và tính thanh khoản của thị trường.
Chủ tịch UBCKNN cũng thừa nhận việc Việt Nam chưa có tổ chức tín nhiệm có uy tín để xếp hạng là một nguyên nhân khiến kênh huy động qua trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, việc phát triển thị trường này còn phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của thị trường, nhận thức xã hội để tiếp cận các sản phẩm tài chính mới.
Cùng đó thị trường trái phiếu Chính phủ trước đây cũng chưa phát triển đủ để trở thành tiêu chí chuẩn (benchmark) cho thị trường. Nhưng đến giai đoạn này, theo ông Dũng, trái phiếu Chính phủ của Việt Nam đã có thanh khoản và cấu trúc kỳ hạn tốt, đường cong lợi suất hợp lý… Đây sẽ là cơ sở để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở thời điểm hiện nay.
“Khi mua trái phiếu doanh nghiệp, chúng tôi hy vọng doanh nghiệp sẽ được đánh giá tín nhiệm và niêm yết trên sàn chứng khoán để tăng tính thanh khoản”, ông Andy Ho nhấn mạnh.
Theo ông, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm được thành lập cần được đánh giá cao trên thế giới. Không thể sử dụng một cơ quan xếp hạng tín nhiệm không tốt, bảo vệ/ che đậy cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, ông Andy Ho đưa ra ý kiến về việc cải cách thủ tục về phá sản để đảm bảo giảm rủi ro tín dụng cho trái chủ.
Ông Ketut Kusuma, Chuyên gia cao cấp về Thị trường vốn Ngân hàng Thế giới (WB), nhận định thị trường trái phiếu bị giới hạn bởi tính minh bạch hạn chế, thông tin về nhà phát hành và thị trường không có sẵn đối với phần đông các nhà đầu tư (đặc biệt là các tổ chức phi ngân hàng).
Theo một đề xuất được Giám đốc Khối Khách hàng tổ chức và nghiên cứu CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC) Fiachra MacCana đưa ra, bản thân phía tổ chức phát hành cần cung cấp thông tin tốt hơn, chính xác, nhanh chóng và tin cậy để nhà đầu tư cảm thấy yên tâm khi rót tiền vào Việt Nam.
Sẽ có trung tâm thông tin và sàn giao dịch chung cho trái phiếu doanh nghiệp
Từ phía đại diện cơ quan quản lý, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết Bộ Tài chính cùng cơ quan này đang xây dựng đề án thành lập thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Rút kinh nghiệm từ trái phiếu Chính phủ, tất cả thông tin sẽ được tập trung về một đầu mối là Trung tâm thông tin thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trung tâm này sẽ công bố các thông tin về việc phát hành và báo cáo tài chính. Bộ cũng chỉ đạo xây dựng sàn giao dịch tập trung để đưa các trái phiếu lên sàn niêm yết, qua đó nhà đầu tư có thể giao dịch cũng như biết được giá và định giá doanh nghiệp.
Khuôn khổ pháp lý để hình thành tổ chức xếp hạng tín nhiệm vốn đã có ở Việt Nam cách đây hai năm. Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cũng tiết lộ đã có đơn vị xin phép đăng ký thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Nhưng điều quan trọng hơn là tổ chức được thành lập phải có uy tín.
“Tổ chức xếp hạng tín nhiệm cần có thời gian hoạt động hoặc sự bảo đảm của Chính phủ để xây dựng uy tín cho tổ chức này. Như tại Thái Lan, một tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã được quốc gia này thành lập sau đó liên doanh với Moody’s. Đây cũng là mô hình cần suy nghĩ để Việt Nam thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm giai đoạn tới”, ông Dũng cho hay.
Đại diện Chính phủ – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Việt Nam cần có sự đột phá trong phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bên cạnh việc phát triển các định chế trung gian như các tổ chức xếp hạng tín nhiệm.
Thị trường vẫn cần thời gian để lớn. Giới đầu tư vẫn đang chờ đợi từ những tích lũy về lượng để thị trường có thể đón nhận một cú bật đột phá sau những gợi mở về chính sách. Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, bảo hiểm, kênh trái phiếu khi được khơi thông cũng sẽ gỡ bài toán mất cân đối của nền kinh tế quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng hiện nay.