Theo các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam có những khó khăn lớn và trở thành thử thách thực sự đối với quá trình điều hành của Chính phủ, cũng như hoạt động của các ngân hàng thương mại về các vấn đề như tỷ giá tăng, lạm phát tăng, lãi suất tăng, nợ công tăng…
Kinh tế chịu nhiều áp lực
Theo các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, khi trọng tâm của Chính phủ là tăng trưởng thì kể từ năm 2015 đến nay, chính sách tiền tệ tại Việt Nam có sự nới lỏng khá mạnh, tăng trưởng tín dụng luôn ở mức cao, từ 18 đến 20%/năm, mặt bằng lãi suất liên tục được điều chỉnh giảm, nhờ đó đã tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế luôn đạt mục tiêu.
Tuy nhiên, hiện nay, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung gia tăng sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam, đặc biệt là vấn đề tỷ giá.
Thực tế trong mấy tuần qua, tỷ giá USD trên thị trường thế giới tăng khá mạnh, trong khi đồng Nhân dân tệ (CNY) mất giá so với USD. Tại thị trường trong nước, VND cũng bị ảnh hưởng tăng giá.
Tại buổi công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2018 vừa qua, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho biết trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, để ổn định kinh tế, ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tại Việt Nam, ông Thành nhận định, nếu tình hình thế giới tiếp tục leo thang căng thẳng, CNY tiếp tục mất giá, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn trước sức ép cạnh tranh.
Tuy nhiên, theo ông Thành: “Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, việc FED thắt chặt tiền tệ và sự phá giá của đồng CNY, chúng tôi cho rằng việc tốt nhất Việt Nam có thể làm là giảm giá VND đối với USD ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm giá đồng CNY so với USD”.
Nhóm nghiên cứu của VERP nhận định, với đặc thù là một nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến và xuất khẩu, việc điều chỉnh tỷ giá như vậy khiến các nhà nhập khẩu nguyên liệu có lợi từ thị trường Trung Quốc, đồng thời các nhà nhập khẩu có lợi thêm từ việc xuất khẩu.
Trên cơ sở đó, Việt Nam có thể đồng thời tận dụng hai thị trường lớn này để cải thiện tình trạng sản xuất và cán cân thương mại.
Tỷ giá bị tác động ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề về kinh tế vĩ mô, từ hoạt động xuất nhập khẩu đến tâm lý đầu tư, chứng khoán, nguy cơ lạm phát…
Vậy, Việt Nam nên thắt chặt chính sách tiền tệ như một số quốc gia hay vẫn giữ chính sách nới lỏng như hiện nay?
Phần đa các khuyến nghị đều cho rằng Việt Nam nên thắt chặt dần chính sách tiền tệ là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Theo Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s, các nước trong khu vực như Malaysia đã có động thái thắt chặt tiền tệ vào tuần trước. Việt Nam cần phải cân nhắc thận trọng việc nới lỏng tiền tệ hơn nữa vì điều này có thể tạo ra rủi ro cho nền kinh tế và lĩnh vực ngân hàng.
Nên thắt chặt dần
Đồng quan điểm, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings gần đây đã cảnh báo Việt Nam nên xem xét thắt chặt dần chính sách tiền tệ để ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và có cơ hội được nâng bậc tín nhiệm đầu tư.
Lãnh đạo một số ngân hàng khẳng định sẽ tiếp tục bám sát định hướng điều hành chung của cơ quan quản lý, chủ động trong công tác phân tích, dự báo để có các dịch chuyển phù hợp trong hoạt động kinh doanh, từ đó giảm thiểu những tác động tiêu cực đến hoạt động ngân hàng từ nay đến cuối năm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ có hai mặt. Mặt tích cực là sẽ ổn định được tình hình kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tránh được cú tác động mạnh từ bên ngoài vào tỷ giá, giữ vững được mục tiêu lạm phát. Nhưng như vậy cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định như: lãi suất có thể tăng, giá tài sản giảm, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Ông Thành cho rằng để ổn định tỷ giá, tránh nguy cơ lạm phát gia tăng mạnh, có khả năng NHNN sẽ tăng lãi suất VND. Đây là một rủi ro mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần lưu ý, vì lãi suất tăng sẽ thay đổi toàn bộ trạng thái các thị trường hiện nay.
Vì vậy, theo các chuyên gia, thắt chặt chính sách tiền tệ như thế nào mới là quan trọng. Ts. Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng thị trường tài sản hiện nay sụt giảm kéo theo làn sóng đầu tư giảm mạnh theo. Thắt chặt tiền tệ nhưng vẫn phải đảm bảo được mục tiêu hỗ trợ hoạt động vay vốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, nguồn cung tiền vẫn đảm bảo cho sự phát triển của nền kinh tế.
Trong khi đó, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Khối Nguồn vốn Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng chính sách tiền tệ của NHNN cần tiếp tục phát huy tính linh hoạt, nhạy bén của giai đoạn vừa qua, phối hợp chặt chẽ cùng chính sách tài khóa để Việt Nam có thể duy trì được các thành quả trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại hối và tạo được niềm tin đối với thị trường.