Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố báo cáo cập nhật “Rủi ro lạm phát 6 tháng cuối năm lớn đến mức nào?”.
BVSC cho rằng rủi ro lớn nhất đối với chỉ số CPI trong 6 tháng cuối năm vẫn là diễn biến khó lường của hai nhóm hàng: hàng ăn, dịch vụ ăn uống và giao thông.
Đối với nhóm hàng giao thông, theo BVSC, diễn biến giá xăng dầu trong nước hiện gắn chặt với giá xăng dầu thế giới nên có thể xem đây là một rủi ro mang tính khách quan nằm ngoài khả năng kiểm soát của Chính phủ.
Ở trong nước, Chính phủ dự kiến tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung (từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng) ngay từ 1/7/2018. Theo đó, giá mỗi lít xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng, dầu diezen là 500 đồng và dầu hỏa tăng 1.100 đồng/lít.
Theo tính toán, việc tăng thuế này sẽ khiến giá nhóm hàng giao thông tăng khoảng 5% và tác động làm chỉ số CPI chung tăng khoảng 0,2% riêng trong tháng 7. Mức tăng này cũng chưa tính đến những tác động lan toả vòng 2 lên các nhóm hàng khác do xăng dầu gần như là đầu vào của mọi hoạt động trong nền kinh tế.
Đối với nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (chiếm tỷ trọng gần 40% trong rổ CPI), BVSC nhận định diễn biến sẽ rất khó lường.
Theo đánh giá của BVSC, các chương trình bình ổn giá thường chỉ có tác dụng nhất định và hạn chế cho một nhóm nhỏ các mặt hàng, tại các khu vực cụ thể. Nhân tố sâu xa hơn ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả trên thị trường chính là độ trễ của chính sách tiền tệ nới lỏng.
“Tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2 đã liên tục ở mức khá cao 16-18% trong giai đoạn 2013-2017 có thể đã tích tụ đủ những rủi ro và hiện là thời điểm bắt đầu tác động rõ nét lên lạm phát”, BVSC nêu quan điểm.
Ngoài hai nhóm hàng giao thông và dịch vụ ăn uống thì việc điều chỉnh giá nhóm hàng giáo dục (ước tính tăng khoảng 5%) cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến chỉ số CPI chung khoảng 0,3% trong tháng 9 tới.
Ở chiều ngược lại, theo BVSC, điểm tích cực giúp kiềm chế CPI trong năm nay đến từ hai nhân tố.
Thứ nhất là lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hai bước đã hoàn tất. Thậm chí, Thông tư 15 mới thay cho Thông tư 37 dự kiến sẽ giúp điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế theo hướng giảm, giúp kiềm chế đà tăng của CPI ngay trong tháng 7 này.
Theo tính toán của BVSC, mức đóng góp của nhóm hàng y tế sẽ chỉ làm chỉ số CPI năm 2018 tăng thêm 0,2%-0,3%, thấp hơn hẳn hai năm trước đó.
Thứ hai, Chính phủ đã chủ trương tạm dừng điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý trước tình hình giá cả tăng cao, điển hình là chỉ đạo Bộ Công thương chưa tăng giá điện trong năm 2018.
Cùng với đó, các Bộ ngành được chỉ đạo theo dõi tình hình giá cả sát sao, tổ chức cung cứng các mặt hàng thiết yếu kịp thời để kiểm soát lạm phát. BVSC tin rằng động thái này cho thấy Chính phủ vẫn ưu tiên cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô mà lạm phát là nhân tố trung tâm nhất.
Về lạm phát cả năm 2018, BVSC cho rằng rủi ro lạm phát trong thời điểm hiện tại chưa đến mức tạo ra nguy cơ quá lớn hay có thể tăng mạnh như năm 2008 và 2011. Lý do là tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2011-2017 chỉ ở mức 14,3%, thấp hơn hẳn giai đoạn 2003-2010 (trung bình ở mức 34%).
Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có nhiều kinh nghiệm điều hành hơn nên đã chủ động giới hạn lại tăng trưởng tín dụng ngay từ thời điểm đầu năm nay (chỉ còn ở mức 16% thay cho mức 18% hồi đầu năm).
“Sự đi trước mang tính thận trọng của chính sách tiền tệ là một nhân tố ‘mỏ neo’, giúp giới hạn lại ‘kỳ vọng tăng’ của lạm phát. Về cơ bản, mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô và quản trị các ‘cú sốc’, khác với mục tiêu hỗ trợ mạnh cho tăng trưởng trong giai đoạn trước năm 2010”, BVSC đánh giá.
Ở kịch bản trung bình (kịch bản BVSC đánh giá xác suất xảy ra cao nhất), CPI vào cuối năm 2018 sẽ ở mức 4,8% và lạm phát trung bình cho cả năm 2018 sẽ ở mức 3,9%.
Ở kịch bản tiêu cực, các mức lạm phát này lần lượt sẽ ở mức 5,6% và 4,07%. Ở kịch bản tích cực, các mức lạm phát này sẽ lần lượt ở mức 4,07% và 3,77%.