Việc lãi suất tiền gửi được điều chỉnh tăng trong thời điểm này, cũng gây ra lo ngại về những áp lực đối với doanh nghiệp (DN). Trao đổi với ĐTTC, PGS. TS NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO, Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM, nhận định đây là một trong những giải pháp để thực thi thông điệp ổn định kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Chủ động linh hoạt chính sách tiền tệ
PHÓNG VIÊN: – Ông có thể nói về thông điệp chính sách tiền tệ của NHNN khi chỏi nhau với chỉ đạo của Chính phủ?
PGS. TS NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO: –Cuối năm 2017, đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành NH phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN và nền kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc Thủ tướng muốn thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng, bằng cách giảm lãi suất và nới lỏng tăng trưởng tín dụng, nhằm tăng cung tiền để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Cũng vào đầu năm 2018, NHNN phát đi thông điệp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Thông điệp ổn định vĩ mô của NHNN có khác một chút với định hướng tăng trưởng kinh tế thông qua việc bơm tiền ra của Chính phủ, nền tảng của ổn định vĩ mô là ổn định mức giá của nền kinh tế, tức là chống lạm phát.
Tôi cho rằng đây là một tín hiệu tích cực trong điều hành kinh tế vĩ mô của các nhà hoạch định chính sách, khi có “độ vênh” giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô. Chính sự mâu thuẫn này sẽ giữ cho hệ thống ổn định. Định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN có tính dung hòa mục tiêu tăng trưởng đó với mục tiêu ổn định giá cả của nền kinh tế.
– Nhìn lại những tháng đầu năm, NHNN đã sử dụng một số công cụ để giảm lãi suất và mặt bằng lãi suất của các NHTM khá ổn định. Vậy xu hướng điều chỉnh tăng lãi suất huy động xuất hiện ở nhiều NH có ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định vĩ mô của NHNN?
– Như tôi đã nói, từ đầu năm nay NHNN đã phát đi một thông điệp về lập trường tiền tệ trong năm 2018 là ổn định vĩ mô, ổn định mức giá và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Có nghĩa Thống đốc NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng và cung tiền ở mức độ vừa phải, không để cung tiền tăng quá mạnh.
Và chúng ta thấy mặt bằng lãi suất đã giảm về mức 5-6%/năm. Tuy nhiên, hiện nay lại xuất hiện cú sốc ngoại sinh từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, tạo sức ép từ hệ quả của nó lên nền kinh tế Việt Nam. Hơn nữa, giá USD trên thị trường thế giới cũng liên tục gia tăng đã gây ra sức ép lên tỷ giá USD/VNĐ, sức ép lên giá cả hàng hóa khi giá nguyên liệu nhập khẩu tăng trong nước do tỷ giá tăng.
Thêm vào đó là bong bóng giá nhà đất, bất động sản và tăng trưởng chứng khoán đã làm cho lạm phát 6 tháng đầu năm tăng gần hết mục tiêu của cả năm 2018. Do đó, NHNN đang đứng trước nhiều áp lực lớn.
Thứ nhất, theo như NHNN tuyên bố, trong năm nay tỷ giá USD/VNĐ không biến động quá 2%. Song đợt phá giá vừa rồi đã chạm mốc 2-2,5%, như vậy NHNN không còn room để có thể tiếp tục điều chỉnh nếu muốn giữ vững mức ổn định tỷ giá mục tiêu.
Thứ hai, lạm phát cũng đã hết room. Theo đó, NHNN vừa phải chống đỡ tỷ giá, vừa bảo vệ mục tiêu lạm phát, giữ ổn định vĩ mô. Đó là chưa kể những tháng cuối năm khi chiến tranh thương mại có thể leo thang, sức ép tỷ giá sẽ càng lớn. Thêm vào đó, dự trữ ngoại hối để đảm bảo nhập khẩu phân bón, thuốc trừ sâu, những yếu tố đầu vào cho các ngành công nghiệp ngày càng căng thẳng hơn. Vì vậy, tăng dần lãi suất có thể là giải pháp được chọn là hướng để giải bài toán này.
Trước đây người dân thường giữ USD, nhưng hiện nay lãi suất USD thấp nên việc nắm giữ USD không hiệu quả nữa. Trong thời điểm này, nếu lãi suất VNĐ tăng lên, chênh lệch lãi suất USD và VNĐ ngày càng rộng, những tài khoản tiết kiệm bằng USD của người dân sẽ được rút ra bán cho NHTM và lấy VNĐ gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất cao. Từ đó, NHNN có thể hút được USD từ NHTM để tăng quỹ dự trữ ngoại hối nhằm chống đỡ cho tỷ giá.
Hút dòng vốn tiết kiệm
– Nhưng vấn đề đặt ra là khi lãi suất huy động đầu vào tăng lên, lãi suất cho vay cũng sẽ tăng lên?
– Đúng là như vậy và NHTM đang đứng trước một bài toán kinh doanh giữa huy động và cho vay. NH đang là kênh để thực thi mục tiêu chính sách vừa nêu, là huy động lãi suất cao để thực thi bài toán thu hút người dân gửi tiết kiệm VNĐ, hút bớt tiền ra khỏi hệ thống để chống lạm phát.
Nhưng điều này khiến chi phí vốn của NH tăng lên, như vậy đầu ra của NH cũng sẽ tăng, khả năng là NH phải cho vay lãi suất cao, đồng nghĩa với việc chấp nhận độ rủi ro lớn hơn. Rõ ràng NH đang đứng trước một sự đánh đổi, chấp nhận tăng lãi suất, chấp nhận rủi ro tín dụng cao hơn để đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô.
– Vậy ông dự báo như thế nào về diễn biến lãi suất trong những tháng cuối năm?
– Nếu từ giờ đến cuối năm, áp lực tỷ giá không tiếp tục gia tăng, cụ thể chiến tranh thương mại không gây ra những tác động tiêu cực lên tỷ giá USD/VNĐ, đà tăng lãi suất sẽ không lên cao hơn nữa. Bởi hiện nay đà tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) càng ngày càng được thúc đẩy để kiềm hãm lạm phát.
Song hiện nay Hoa Kỳ lại đang gây ra cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, và chiến tranh thương mại đang có dấu hiệu ngày càng leo thang, làm cho chi phí nhập khẩu vào Hoa Kỳ tăng lên. Điều này cũng gây ra tâm lý tiêu cực, đó cũng là những tín hiệu không tốt cho nền kinh tế Hoa Kỳ.
Vì vậy, có thể lãi suất vẫn tăng nhưng giá USD trên thị trường thế giới sẽ không tiếp tục tăng như trước đây. Trường hợp giá USD trên thị trường thế giới không tăng nữa, tỷ giá USD/VNĐ trong nước sẽ giảm áp lực, từ đó cũng giảm sức ép đối với mặt bằng lãi suất.
Tuy nhiên, bên cạnh đó lãi suất cũng có một số sức ép khác. Chẳng hạn, mới đây NHNN đưa ra thông điệp kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 đã được thông báo, siết tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, cho thấy cơ quan này đang siết cung vốn ra thị trường để kiểm soát lạm phát, do đó mặt bằng lãi suất sẽ chịu tác động.
Hơn nữa, các nước trên thế giới đang trong xu hướng tăng lãi suất. Tuy Việt Nam đang kiểm soát vốn, dòng vốn quốc tế chảy vào và ra khá gắt gao, nên kinh doanh chênh lệch lãi suất không dễ dàng, nhưng khi mặt bằng lãi suất thế giới tăng lên cũng tác động đến mặt bằng lãi suất trong nước.
Một yếu tố nữa là thị trường chứng khoán qua những đợt sụt giảm vừa rồi cộng với chiến tranh thương mại leo thang, những bất ổn trong tỷ giá USD/VNĐ cộng với diễn biến khối ngoại đang có xu hướng bán ra. Điều này cũng dễ khiến nhà đầu tư rút lui khỏi thị trường chứng khoán để tìm kiếm các kênh trú ẩn an toàn như gửi tiết kiệm hoặc mua vàng.
Tính toán trong thế khó
– Chúng ta nhìn thấy nhiều sức ép, nhưng thực chất đối tượng gánh chịu lớn nhất vẫn là cộng đồng DN?
– Hiện nay sức ép về giá cả bắt đầu đè nặng lên DN do sự truyền dẫn tỷ giá hối đoái, hay nói đúng hơn là tác động của tỷ giá lên chuỗi giá cả của nền kinh tế. Khi tỷ giá tăng lên làm cho chi phí nhập khẩu nguyên nhiên liệu của DN tăng lên, dẫn đến giá thành sản phẩm và mặt bằng giá cả của nền kinh tế cũng tăng lên theo.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, truyền dẫn tỷ giá hối đoái tại Việt Nam rất mạnh, bởi vì nền sản xuất của Việt Nam dựa vào nhập khẩu. Do đó, DN phải ở vào một tình thế khó khăn.
Trong bối cảnh giá nguyên liệu nhập về bắt đầu tăng, DN phải tính trước và đưa kỳ vọng tăng giá vào giá thành, theo đó truyền dẫn kỳ vọng lạm phát vào nền kinh tế. Nếu không làm như vậy, DN sẽ lỗ, nhưng nếu truyền dẫn biến động tỷ giá vào giá thành sản phẩm DN cũng bị giảm doanh số.
– Như vậy các DNNVV, DN khởi nghiệp đã khó nay sẽ còn khó hơn trong việc tiếp cận vốn NH?
– Đây cũng là một sự đánh đổi. Nền kinh tế Việt Nam đặc trưng là những DNNVV và họ rất dễ bị tổn thương bởi các rủi ro tài chính (biến động lãi suất, tỷ giá) vì không có vốn lớn, không chịu nổi những cú sốc đó, dẫn đến chuyện thua lỗ, phá sản rất dễ xảy ra.
Khi Thủ tướng Chính phủ truyền thông điệp kéo giảm lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là để hỗ trợ DN, thúc đẩy khởi nghiệp, để những DNNVV, những người muốn khởi sự dự án mới tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
Bây giờ kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và lãi suất tăng sẽ đi ngược với mong muốn này. Song bản chất của điều hành kinh tế là sự lựa chọn, việc nhích lãi suất để chống đỡ cho tỷ giá, kiềm chế tốc độ lạm phát để ổn định vĩ mô là đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh này.
– Xin cảm ơn ông.