Một số tập đoàn lớn nước ngoài đang nhắm tới sở hữu cổ phần tại các DN viễn thông, hàng không, khai khoáng… Cơ hội giải ngân của họ có tín hiệu rộng mở, bởi có nhiều điểm mới trong Nghị định 59/2011/NĐ-CP thay thế Nghị định 109 về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, có hiệu lực từ 5/9/2011, cũng như trong thông điệp của Thủ tướng Chính phủ vừa được phát đi khi chủ trì Hội nghị tham vấn đối tác phát triển về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 6/9 là tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá (CPH) DNNN thời gian tới.
Quy định mới
Trước tháng 9/2011, NĐT, nhất là các NĐT nước ngoài “kêu” khá nhiều về những nút thắt mà họ phải đối mặt khi tham gia CPH như: phải mua cổ phần sau khi DN tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) với giá không hợp lý, việc tính lợi thế vị trí địa lý đối với phần diện tích đất DN thuê khi xác định giá trị DN phản ánh không chuẩn xác giá trị DN. Tuy nhiên, những bất cập này đã được hoá giải trong Nghị định 59.
Theo đó, quy định mới cho phép DN được bán cổ phần cho cổ đông chiến lược trước khi IPO. Trường hợp mua bán thỏa thuận trực tiếp giữa DN và NĐT hoặc đấu giá giữa các NĐT chiến lược đã đăng ký mua cổ phần trước khi IPO, thì giá thỏa thuận giữa các bên (trường hợp thỏa thuận) hoặc giá đấu thành công (đối với trường hợp đấu giá) là không thấp hơn giá khởi điểm đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án CPH phê duyệt.
Nghị định 59 đưa ra nguyên tắc, căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế theo thị trường để DN trả tiền thuê đất, mà không quy định phải xác định lợi thế vị trí địa lý đối với diện tích đất DN chọn hình thức thuê, vì khái niệm này gây nhiều vướng mắc cho xác định giá trị DN thời gian qua. Quy định mới cũng loại diện tích đất sử dụng vào mục đích phúc lợi, công cộng khi xác định giá trị đất đai trong quá trình tính giá trị DN, nên việc xác định giá trị DN minh bạch, xác thực hơn.
Để đẩy nhanh tiến trình CPH, chính sách mới cho phép nếu số cổ phần mà DN đưa ra IPO lần đầu không bán đạt một tỷ lệ nhất định, thì DN vẫn được phép chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, với điều kiện trong dự thảo điều lệ để trình ĐHCĐ lần đầu của DN thông qua phải thể hiện rõ nội dung sẽ tiếp tục bán nốt số cổ phần đã được phê duyệt khi đưa ra IPO, để đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.
Đây là biện pháp khắc phục tình trạng CPH “rùa bò” thời gian qua, do vướng quy định nếu số lượng cổ phần không bán hết trên 30% tổng số cổ phần lần đầu chào bán, thì DN phải tổ chức đấu giá bán tiếp mới được chuyển đổi hoạt động sang mô hình công ty cổ phần như trước khi Nghị định 59 có hiệu lực.
Theo một chuyên gia ở Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), quy định mới không chỉ tháo gỡ những vướng mắc cho xác định giá trị DN, mà còn tạo chủ động cho DN thu hút NĐT chiến lược. Điều này sẽ góp phần làm “nóng” CPH thời gian tới, bởi với việc áp dụng một số tinh thần của các quy định mới trong Nghị định 59 trước khi văn bản này có hiệu lực, cụ thể là nếu số cổ phần DN đưa ra IPO lần đầu không bán hết, DN vẫn được chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, trong 6 tháng đầu năm 2011 đã CPH được 4 DN lớn: Tổng công ty Miền Trung, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam và Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long.
Cách làm cũng phải mới
Phát biểu trước các nhà tài trợ cho Việt Nam, các đại sứ… tại Hội nghị tham vấn đối tác phát triển về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tổ chức ngày 6/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, cho biết, thời gian qua do bất ổn kinh tế vĩ mô, nên việc CPH DNNN bị chậm lại, nhưng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo để đẩy nhanh tiến trình này trong thời gian tới. Gắn với đó là đảm bảo tính hiệu quả, minh bạch trong hoạt động của các DNNN…
Muốn quy định mới về CPH nhanh đi vào cuộc sống, đồng thời đáp ứng nhu cầu của NĐT, nhất là các NĐT nước ngoài, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc thực thi chính sách CPH mới cần theo hướng lái tiến trình CPH chuyển sang một giai đoạn mới, với đặc điểm nổi bật là phải thực sự tạo ra những mặt hàng có chất lượng, xứng tầm với danh tiếng của các NĐT tầm cỡ toàn cầu.
Ông Nghĩa cho biết, gần đây, một số tập đoàn tài chính thế giới lớn, trong đó có JP Morgan đánh tiếng muốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam thông qua TTCK. Tuy nhiên, họ không có ý định giải ngân vào các cổ phiếu hiện có trên thị trường, mà muốn đầu tư vào các đợt CPH những DN lớn trong lĩnh vực viễn thông, hàng không, khai khoáng… Để đón bắt nhu cầu này của các nhà đầu tư chiến lược này, CPH các DN lớn Việt Nam không thể chậm chân trong tạo ra các loại hàng hoá chất lượng cao, thực sự hấp dẫn.