Mục tiêu kép, nhiệm vụ kép
Chính phủ đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ để ứng phó với đại dịch Covid-19, đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg triển khai gói giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Rất khẩn trương, các bộ, ngành đã vào cuộc triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, trong đó nổi bật nhất chính là ngành Ngân hàng. Theo đó, với việc ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngành Ngân hàng đã thể hiện sự chia sẻ và hỗ trợ sản xuất kinh doanh qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngay cả khi Chỉ thị 11 chưa được ban hành, với trách nhiệm của mình, ngành Ngân hàng đã có những chính sách, giải pháp quyết liệt, kịp thời và thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đặc biệt, để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra, NHNN cũng vừa ban hành nhiều quyết định giảm mạnh các mức lãi suất điều hành cũng như lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn bằng VND. Những động thái điều hành này thể hiện rõ tinh thần chia sẻ cùng doanh nghiệp và nền kinh tế bằng việc giúp sản xuất kinh doanh giảm được chi phí. Tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với các tập đoàn kinh tế tư nhân hôm 12/3/2020 vừa rồi, Thống đốc NHNN cho biết ngành Ngân hàng sẽ theo sát tình hình để có giải pháp điều hành theo những diễn biến mới. Hệ thống ngân hàng cam kết bảo đảm thanh khoản của hệ thống; đáp ứng đủ nguồn vốn để cung ứng cho nền kinh tế.
Với lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết ngành cũng đang quyết liệt triển khai giải pháp liên quan đến tài khoá. Theo đó, bộ đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định Chính phủ về gia hạn nộp thuế để hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh với nỗ lực để trình Chính phủ ban hành ngay trong tháng 3 này. Giải thích rõ về thời hạn gia hạn nộp thuế chỉ là 5 tháng như dự thảo, Bộ trưởng cho biết, do thẩm quyền của Chính phủ chỉ được phép gia hạn trong khoảng thời gian nhất định và không được ảnh hưởng đến con số dự toán thu ngân sách của năm. Như vậy chỉ có thể gia hạn 5 tháng. Bên cạnh việc gia hạn thuế, bộ cũng làm việc với các cơ quan liên quan về vấn đề giảm phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, việc đẩy nhanh đầu tư công được xem là một trong những giải pháp hiệu quả để hỗ trợ đà tăng trưởng. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, “Chúng ta đang kích cầu, nguồn lực lớn là đầu tư công với hơn 600 nghìn tỷ đầu tư. Nếu giải ngân được hết số này thì kích thích tăng trưởng mạnh”.
Phải biết biến nguy thành cơ
Bên cạnh các gói hỗ trợ về tiền tệ và tài khóa, các giải pháp hỗ trợ sản xuất – kinh doanh, xuất khẩu… cũng rất quan trọng. Đặc biệt khi 97% DN trong nước có quy mô vừa và nhỏ nên khả năng chống chịu là bị hạn chế rất nhiều. Nếu DNNVV không vượt qua thì gây tác động lớn. Xuất khẩu giảm, sản xuất kinh doanh chậm lại và gián đoạn không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề an sinh xã hội… Thừa nhận những khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay, tuy nhiên Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, “trong nguy có cơ”, đây là lúc phải tính lại, tái cơ cấu lại sản xuất để tốt hơn thì sẽ chiếm lĩnh thị trường. Với tinh thần đó bộ đã làm việc với 13 hiệp hội ngành hàng để nắm bắt tình hình và có các hành động, chỉ đạo và giải pháp phù hợp. Bộ cũng đã chủ động làm việc đánh giá toàn diện vướng mắc của DN và khó khăn về nguồn cung của doanh nghiệp. “Chúng tôi vừa tổ chức Hội nghị ASEAN ở Đà Nẵng, tại đây đã nhấn mạnh vai trò mỗi nước trong chủ động nguồn cung. Mỗi nước phải xây dựng kế hoạch bảo đảm nguồn cung, thu hút đầu tư”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Không thể phủ nhận nông nghiệp là một trong những ngành chịu tác động mạnh nhất, chịu tác động kép, thách thức kép vì thiên tai, hạn hán, dịch tả lợn châu Phi và cả dịch bệnh lần này. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, nếu chúng ta có những giải pháp đúng và trúng thì sẽ “biến nguy thành cơ”. Với ngành nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết toàn ngành sẽ nỗ lực khắc phục thiên tai để sản xuất lương thực, thực phẩm bằng và cao hơn năm ngoái, bảo đảm đủ lương thực thực phẩm. Không chỉ lo nhiệm vụ sản xuất “không để thiếu hàng”, ngành nông nghiệp còn góp phần kiểm soát lạm phát bằng các biện pháp kiểm soát giá thịt lợn, tái đàn và chuẩn bị đầy đủ các yếu tố khác để khi dịch hết, thế giới bùng nổ nhu cầu thì chúng ta có hàng để xuất ra. “Chính phủ, DN, toàn dân phải nỗ lực. Nếu chúng ta có chính sách đồng bộ về tín dụng, về thuế… thì ngành nông nghiệp sẽ thuận lợi và phát triển”, Bộ trưởng Cường nói.
Đề cao các giải pháp đã đề ra tại Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ cũng như nỗ lực triển khai thực hiện của các bộ, ngành, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, “lúc này khoan sức dân, dưỡng sức dân là đúng”. Tiên liệu trước rồi đây có nhiều DN phá sản, nhiều lao động mất việc làm nhưng sẽ có nhiều cơ hội khi thách thức xảy ra. Lúc này cơ hội là chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. “Nếu bình thường thì Việt Nam chuyển đổi số chậm, nhưng trong lúc này cần làm nhanh. Chính phủ và doanh nghiệp nên đầu tư nhiều và mạnh vào công nghệ số, chuyển đổi số và thay đổi cách làm việc, tăng cường làm online”, Bộ trưởng nhấn mạnh và dẫn chứng chỉ trong vòng tháng 2 dịch vụ công trực tuyến tăng từ 12 lên 24%. “Trong một tháng ta làm bằng 20 năm nhờ nỗ lực. Do đó Chính phủ cần yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng tốc, chuyển đổi số nhanh… Có những việc chỉ quyết được trong lúc khó khăn, do đó Chính phủ cần quyết”, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông phát biểu.
Linh Lan