Trang CNN Money dẫn một báo cáo mới đây của Ủy ban Trách nhiệm ngân sách Liên bang (CRFB) cho biết, khoản lãi này tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ.
Trong khi đó, vào năm ngoái, Chính phủ Mỹ phải chi 263 tỷ USD, tương đương 1,4% GDP, để trả lãi nợ công. Trung bình lịch sử, mỗi năm Mỹ chi số tiền tương đương 2% GDP để trả lãi nợ chính phủ.
Ước tính của CRFB được đưa ra trên cơ sở cho rằng Quốc hội Mỹ sẽ duy trì vĩnh viễn chính sách cắt giảm thuế hiện nay, trong đó có nhiều biện pháp dự kiến sẽ hết thời hạn vào 2025. CRBF cũng dự kiến Quốc hội Mỹ sẽ gia hạn đạo luật nâng trần chi tiêu công thời hạn 2 năm được thông qua mới đây.
Những giả thuyết này là điều hoàn toàn có thể xảy ra, bởi Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đã cho thấy rõ khó khăn trong việc đạt nhất trí về làm thế nào vừa hạn chế chi tiêu công lại vừa giữ thuế ở mức thấp, vừa đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng lại vừa đảm bảo chế độ cho công chức hưu trí và cựu binh.
Nếu các chương trình cắt giảm thuế và tăng chi tiêu hiện nay được gia hạn, thì tiền trả lãi nợ công của Mỹ sẽ chiếm tới 14% toàn bộ ngân sách liên bang vào năm 2028, và sẽ lớn hơn ngân sách cho quốc phòng hay chương trình chăm sóc y tế Medicaid.
CRFB ước tính, cho dù Quốc hội Mỹ có để cho luật thuế mới và các chính sách chi tiêu hiện nay hết hạn đúng dự định, thì tiền lãi nợ công của Mỹ đến năm 2028 cũng sẽ lên mức 965 tỷ USD mỗi năm, tương đương 3,3% GDP, một tỷ lệ cao kỷ lục.
Bên cạnh đó, CRFB cũng dự báo thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ sẽ vượt 1 nghìn tỷ USD vào năm tới.
Trong tháng 4, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) sẽ công bố báo cáo triển vọng ngân sách và kinh tế Mỹ 10 năm. Báo cáo này có thể đưa ra những đánh giá tương tự như CRFB vừa nêu.
Cách đây 8 tháng, trước khi dự luật cải tổ thuế của Tổng thống Donald Trump được Quốc hội Mỹ thông qua, CBO ước tính tiền trả lãi nợ công đến năm 2027 có thể đạt 818 tỷ USD mỗi năm, tương đương 3% GDP, do lãi suất tăng và mức vay nợ ngày càng lớn.