Theo nội dung Nghị định về lập, quản lý và sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ vừa được Chính phủ ban hành, Thủ tướng có nhiệm vụ quyết định việc sử dụng quỹ này để xử lý rủi ro cho các khoản vay lại, bảo lãnh Chính phủ theo quy định của Luật Quản lý nợ công.
Các quyết định thuộc thẩm quyền lãnh đạo Chính phủ, gồm quyết định về ứng vốn (bên nhận ứng vốn, lãi suất ứng vốn, thời hạn hoàn); sử dụng nguồn Quỹ để xử lý rủi ro phát sinh (xóa nợ gốc, lãi, lãi phạt…); trích một phần phí bảo lãnh, phí cho vay lại…
Bộ Tài chính sẽ là đơn vị quản lý Quỹ tích lũy trả nợ, với quản lý thu, chi, sử dụng quỹ theo quy định Luật Quản lý nợ công; báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về tình hình thu, chi, nghĩa vụ trả nợ, nguyên nhân quỹ không đủ nguồn để chi trả nợ. Cơ quan này cũng sẽ đề xuất phương án xử lý trong trường hợp quỹ không đủ nguồn để chi trả nợ sau khi đã áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro.
Trường hợp đối tượng được bảo lãnh gặp khó khăn trong trả nợ, Bộ Tài chính sẽ là đơn vị được quyết gia hạn thu hồi khoản vốn ứng này, cũng như chọn ngân hàng trong nước để gửi tiền có kỳ hạn, ủy thác quản lý vốn của quỹ.
Cũng theo nghị định này, các khoản thu như thu hồi nợ cho vay lại, thu phí quản lý cho vay lại, phí bảo lãnh và lãi phạt chậm trả với khoản phí bảo lãnh hoặc lãi tiền gửi, cho vay, ủy thác quản lý vốn, đầu tư quỹ… sẽ là khoản thu của Quỹ tích lũy.
Ngược lại, các khoản chi trả nợ nước ngoài (gốc, lãi) với khoản vay về cho vay lại, chi xử lý rủi ro, chi nghiệp vụ quản lý nợ công… là khoản chi của quỹ.
Sau khi cân đối sử dụng cho các khoản chi trên, quỹ được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi cho ngân sách nhà nước vay, đầu tư vốn nhàn rỗi, mua trái phiếu Chính phủ theo quy định pháp luật.
Theo báo cáo về sử dụng vốn vay, quản lý nợ công 2017 và kế hoạch 2018 được Chính phủ gửi tới Quốc hội giữa tháng trước, nợ công năm 2017 gần 3,1 triệu tỷ đồng. Trong đó, nợ Chính phủ 2,6 triệu tỷ, nợ được bảo lãnh 450.000 tỷ và nợ chính quyền địa phương 66.000 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2017, tổng dư nợ nước ngoài của quốc gia là hơn 2,4 triệu tỷ đồng tỷ đồng, bằng 49% GDP nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép (nhỏ hơn 50% GDP).
Năm 2018, Chính phủ dự kiến vay 341.000 tỷ đồng, trong đó vay bù đắp bôi chi 195.000 tỷ, trả nợ gốc hơn 146.000 tỷ đồng. Ngĩa vụ trả nợ năm 2018 là 275.330 tỷ đồng.