Tại hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2018 ngày 9/7, theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh, đến nay Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng các mặt xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc lên tới 30%. Đây là mức tăng cao nhất trong số các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Trong số các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, rau quả tăng trưởng xuất khẩu rất mạnh.
Cũng theo ông Chinh, có nhiều dự báo khác nhau về tác động của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong đó có hai luồng ý kiến về việc cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là cơ hội cho Việt Nam.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu đây là mối lo vì Việt Nam là nền kinh tế mở. Mọi thay đổi chính sách, tác động của nền kinh tế thế giới đều có ảnh hưởng đến chúng ta. Đặc biệt, cuộc chiến này không biết khi nào kết thúc. Có thể sẽ kết thúc ngay trong tuần sau nhưng cũng có thể kéo dài sang cả sang năm. Do vậy, việc xuất khẩu ổn định ra bên ngoài và xây dựng chiến lược xuất khẩu ổn định đối với hàng hóa của Việt Nam là việc rất khó. Nếu không xử lý khéo, hậu quả sẽ hiện ngay lập tức và ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu hàng hóa sang các nước mà chúng ta hiện xuất siêu như Mỹ.
“Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung trước mắt là thách thức với Việt Nam. Để hạn chế tác động, cần tổ chức tốt thị trường xuất khẩu, tổ chức tốt cộng đồng doanh nghiệp đồng thời linh hoạt, thông thoáng trong giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Chinh nói.
Về cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đã có báo cáo sơ bộ gửi Chính phủ về những tác động đối với kinh tế Việt Nam.
“Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã diễn ra. Với cuộc chiến này, chúng ta phải đánh giá sâu hơn ở nhiều khía cạnh khác nữa, cụ thể không dừng ở các sắc thuế mà còn bản quyền công nghệ, chính sách tiền tệ tín dụng… tất cả đang đặt ra những vấn đề trong kinh tế, thương mại. Vấn đề đặt ra đối quan hệ quốc tế nhất là vấn đề xuất khẩu. Thủ tướng đã nhắc đi nhắc lại về chất lượng hàng xuất khẩu, do vậy nếu có quan điểm du di trong vấn đề thương mại quốc tế chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của chúng ta”, ông Trần Tuấn Anh cho hay.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu 6 tháng cuối năm vẫn có những yếu tố thuận lợi để tăng trưởng. Trong đó, nhóm hàng điện tử dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ việc Samsung tiếp tục xuất bán sản phẩm mới trong quý III/2018 và việc dự án Samsung Display tiếp tục đẩy mạnh sản xuất màn hình phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, theo chu kỳ, thông thường xuất khẩu nông, thủy sản tăng vào giữa năm và đạt mức cao nhất vào thời điểm cuối năm; các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ xuất khẩu từ giữa quý II.
Theo nhận định, dù có thuận lợi nhưng dự báo trong các tháng cuối năm, xuất khẩu sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Nổi bật là việc các nước tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe khiến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trên các thị trường nhập khẩu.
Trong đó phải kể đến việc cảnh báo thẻ vàng của EU đối với thủy sản, mức thuế chống bán phá giá Hoa Kỳ áp dụng đối với cá tra; chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ, EC xiết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT); nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc; tình trạng truyền thông bôi nhọ sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại một số nước (cá tra ở EU, hạt điều ở Ấn Độ,…)
“Việc đạt mức xuất khẩu bình quân 20,45 tỷ USD/tháng cho 6 tháng cuối năm là một thách thức rất lớn trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều biến động khó lường. Điều này đòi hỏi nỗ lực không chỉ của Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan và cả cộng đồng doanh nghiệp”, Bộ Công Thương nhận định.