Kết luận trên được nêu tại một nghiên cứu do Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA) và Tổ chức Forest Trends thực hiện, được công bố chính thức mới đây.
Tuy nhiên, bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực dẫn đến sụt giảm lượng và giá trị xuất khẩu sản phẩm cao su sang Trung Quốc, cơ hội vàng xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ cũng hiển hiện.
Ngành cao su và chế biến gỗ cao su năm 2017 đạt trên 6,4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu; tạo công ăn việc làm cho khoảng 500 nghìn lao động tham gia trong các khâu khác nhau của chuỗi cung, trên 260 nghìn hộ gia đình trực tiếp tham gia khâu sản xuất.
Việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc, trong đó có sản phẩm ô tô, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu cao su của Trung Quốc, qua đó tác động đến sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cao su của Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng năm 2018, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt khoảng 770 triệu USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Còn theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends, trong 6 tháng đầu 2018, lượng gỗ cao su xẻ xuất sang Trung Quốc giảm rất sâu, chỉ còn khoảng 2.500 m3, tương đương với trên 1% lượng xuất khẩu của cả năm 2017.
Sự sụt giảm đáng kể này, theo ông, rất có thể là phản ứng của các doanh nghiệp chế biến tại Trung Quốc khi các sản phẩm gỗ họ sản xuất gặp khó khi tiếp cận thị trường Mỹ do mức thuế mới của Mỹ.
Tuy nhiên, theo Báo cáo Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam – Hòa Kỳ 2018 do ông Nguyễn Vinh Quang, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends và cộng sự thực hiện, việc cao su Việt khó vào Trung Quốc lại có thể mở ra cơ hội cho mặt hàng này vào Mỹ.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã chia sẻ rằng các đơn hàng vào Mỹ đang có xu hướng tăng, đồng thời nhận định nguyên nhân là do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc.
“Việt Nam chúng ta hiện đang được thừa hưởng cơ hội vàng trong cuộc chiến này, vấn đề là chúng ta (doanh nghiệp, hộ gia đình trồng cao su và các doanh nghiệp chế biến gỗ…) có thật sự liên kết với nhau không. Nếu là có, khi đó cơ hội mới biến thành vàng. Còn không, cơ hội sẽ chỉ có trên giấy”, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương nói.
Tuy nhiên, lưu ý thêm ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng cũng cần lưu ý là cuộc chiến này có thể dẫn tới sự dịch chuyển trong đầu tư vào ngành chế biến gỗ của Việt Nam, có sự tham gia thêm của các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc.
“Điều này nếu xảy ra có thể sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đối với ngành gỗ của Việt Nam, giống như đã và đang xảy ra với ngành thép”, ông Vinh cảnh báo.
Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu cao su thiên nhiên. Thị phần xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 11,7 % tổng nguồn cung cao su thiên nhiên trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cao su thiên nhiên lớn nhất của Việt Nam (năm 2017 vào khoảng 80% tổng lượng cao su xuất khẩu).
Về gỗ cao su, bình quân mỗi năm, gỗ và các mặt hàng làm từ gỗ cao su đem lại kim ngạch 1,7-1,8 tỷ USD của Việt Nam; chiếm trên 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ.