Một trong những điểm đáng chú ý nhất tuần qua là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2018.
Chỉ thị 04 nêu rõ nhiệm vụ của từng khối: Các đơn vị tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố; Các tổ chức tín dụng… Trong đó, phần lớn nội dung của Chỉ thị 04 nêu rõ các yêu cầu của Thống đốc về kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định: “Không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt, như một số ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các tổ chức tín dụng yếu kém); Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông…”.
Việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và định hướng dòng chảy tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước thực hiện hiệu quả những năm gần đây. Việc này không chỉ nhằm ổn định, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng, mà còn góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu: điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; bảo đảm thanh khoản của tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tín dụng tăng khoảng 17%…
Như vậy, định hướng chung của ngành Ngân hàng đưa ra từ đầu năm cho thấy, mục tiêu kiểm soát lạm phát được đặt lên hàng đầu. Mục tiêu về tăng trưởng tín dụng là “có điều chỉnh phù hợp diễn biến thực tế…”.
Trong khi đó, theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2018 đã tăng 0,61% so với tháng trước đó và là tháng 6 có CPI tăng cao nhất trong 7 năm qua. CPI tháng 7/2018 giảm nhẹ 0,09% so với tháng 6, tuy nhiên vẫn tăng 2,13% so với tháng 12/2017 và tăng 4,46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những tháng cuối năm, CPI tiếp tục chịu nhiều tác động bất lợi cả từ trong và ngoài nước như: biến động tăng của các mặt hàng thiết yếu do thiên tai, lũ lụt; việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước định giá; hay tác động từ chiến tranh thương mại, việc tăng giá một số nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới… Như vậy, giữ được ở mức 4% như mục tiêu Quốc hội thông qua là thách thức lớn.
Thực tế cho thấy, để kiểm soát được lạm phát đòi hỏi có sự phối hợp tốt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Song, lâu nay gánh nặng kiểm soát lạm phát vẫn đặt nhiều hơn lên vai ngành Ngân hàng.
Chính vì thế, cùng với việc sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát cung tiền, Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng. Nói như vậy, không có nghĩa Ngân hàng Nhà nước chủ trương “thắt” tín dụng.
6 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng tín dụng toàn Ngành đạt 7,88%, thấp hơn mức 9,06 cùng kỳ năm 2017. Tín dụng chảy chậm lại là thực tế, phần nào cho thấy sự thận trọng của ngành Ngân hàng trong bối cảnh điều hành chính sách tiền tệ đang chịu nhiều áp lực. Không bàn đến việc tăng trưởng tín dụng có đạt mức 17% trong năm nay hay không, mà vấn đề cả cơ quan quản lý lẫn các ngân hàng thương mại quan tâm ở đây là chất lượng và hướng chảy của dòng vốn tín dụng.
Chính vì thế, một mặt Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông…
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn trong triển khai các chương trình tín dụng, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, đặc biệt là hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chủ động triển khai chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…