Phiên giao dịch ngày 13/9 là một phiên giằng co của chỉ số quanh ngưỡng đã đạt được của phiên hôm trước.
Bước vào đầu phiên sáng khi thực hiện ATO (lệnh giao dịch tại mức giá khớp lệnh xác định giá mở cửa) đến 9h30, VN-Index đã tăng 4,1 điểm, thanh khoản đạt 314,5 tỷ đồng. Tiếp tục như phiên hôm trước, dòng tiền lan tỏa đều khắp thị trường tuy nhiên không quá mạnh.
Nhóm CP ngân hàng có phiên tăng nhẹ trong trạng thái thanh khoản lớn từ CTG, BID, điều này cho thấy áp lực chốt lời nhẹ vẫn diễn ra. Trong khi đó, nhóm dầu khí tiếp tục cho thấy một ngày giao dịch đầy hứng khởi khi GAS tăng 2,1%, PLX tăng 1,1% PVD tăng 3,8%, PVB tăng trần, PVS, OIL, BSR cũng tăng nhẹ.
Tuy nhiên từ giữa phiên, họ nhà V với VIC, VRE, VNM đã giảm nhẹ trung bình khoảng 0,5% đã khiến chỉ số VN-Index mất đi đà tăng của phiên ATO. Trong khi đó, nhóm Midcap ngành bất động sản, xây dựng có nhịp tăng trở lại ở VGC, VCG, DIG, DXG…
Kết thúc phiên sáng VN-Index tăng nhẹ 2,66 điểm, thanh khoản đạt 1.963 tỷ đồng, khối ngoại đóng góp 206,37 tỷ đồng trong tổng giá trị giao dịch, trong đó bán ròng 50,37 tỷ đồng. Như vậy trạng thái bán ròng của khối ngoại đã quay trở lại.
Bước sang phiên chiều, VN–Index tăng 5,17 điểm đạt xấp xỉ 993 điểm. Thanh khoản tăng mạnh trên toàn thị trường. Điểm số tăng lên chủ yếu do nhóm ngân hàng đã có nhịp tăng khá mạnh: VCB, MBB, TCB đều tăng trên 1,1%; trong khi HDB tăng 3,3%, CTG và BID tăng 2%.
Thế nhưng diễn biến của phiên sáng đã lặp lại vào lúc 14h-14h30. Những nhịp kéo trụ để kéo chỉ số khiến thị trường đón nhận một nhịp bull trap khá mạnh về cuối phiên, trước khi vào phiên giao dịch đóng cửa (ATC).
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/9, VN-Index tăng 0,94 điểm (+0,1%) lên 987,95 điểm; HNX-Index tăng 1,01 điểm (+0,9%) lên 112,66 điểm, Upcom-Index tăng 0,26 điểm lên 51,72 điểm. Thanh khoản của thị trường tiếp tục ở mức khá khi giá trị khớp lệnh toàn sàn đạt trên 4.100 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng khoảng 33 tỷ đồng.
Đánh giá về phiên giao dịch ngày 13/9, các chuyên gia cho rằng, đây là một phiên đã được dự báo trước đó, trạng thái từ xanh đều chuyển sang xanh vỏ đỏ lòng diễn ra càng về cuối phiên càng rõ nét. Tuy nhiên, việc VN-Index bị đánh sát về mốc tham chiếu khiến dư luận thị trường có đôi chút hụt hẫng. Dòng tiền trong phiên chiều đã không đủ mạnh để đỡ thị trường khi áp lực bán mạnh từ nhóm trụ và nhóm ngân hàng tăng cao. Tình trạng đánh lướt cũng là một yếu tố khiến nhóm trụ phải chịu áp lực điều chỉnh lớn.
“Nhóm ngân hàng mặc dù đã được đẩy lên nhưng thanh khoản không đủ giữ được đà tăng và chịu nhịp sóng gió về cuối phiên. Trong khi đó, họ nhà V như VIC, VNM, VRE chịu áp lực điều chỉnh mạnh sau quãng ngày tăng lớn. Tuy nhiên, đà điều chỉnh nhỏ, lực đỡ lớn khiến nhóm này vẫn có thể sẽ là nhóm dẫn dắt thị trường trong thời gian tới”, một chuyên gia nhận định.
Một số ý kiến khác thì cho rằng, việc khối ngoại quay lại bán ròng, trong đó GEX bị bán mạnh nhất cũng là dấu hiệu đáng quan ngại cho phiên sau, đồng thời dự báo, với tín hiệu bán ròng trở lại của khối ngoại, cùng với nhịp đạp mạnh về cuối phiên cho thấy phiên cuối tuần sẽ đầy sóng gió. Nhóm trụ như VIC, VRE, VNM có thể sẽ tiếp tục giao dịch quanh vùng tham chiếu, trong khi nhóm ngân hàng sẽ bị điều chỉnh giảm khá mạnh khi thanh khoản và lực đỡ khá yếu.
Về góc độ kỹ thuật, một số chuyên gia cho rằng, trong một vài phiên tới các chỉ số trên HSX không tạo thêm được các mức cao mới mà tạm chững lại với sự rung lắc trong phiên. Trong khi đó HNX có phần tích cực hơn khi tạo mức cao mới và nhóm MA ngắn ngày (giá trung bình của chứng khoán) cũng chuyển biến tích cực khi có thêm sự thay đổi độ dốc.
“Nhìn chung sự rung lắc vẫn mang tính bình thường sau đợt hồi phục mạnh và thị trường ghi nhận trạng thái ngắn hạn là tăng trên các chỉ số chính với bên mua vẫn đang trội hơn. Theo đó, khả năng thị trường sẽ tiếp tục hồi phục tích cực và sớm chinh phục mức 1.000 điểm trong thời gian tới”, một chuyên gia nói.
Đồng quan điểm, một số ý kiến khác cũng cho rằng, TTCK trong quý III có xu hướng chính là hồi phục nhẹ. Hiện tại, TTCK Việt Nam đang được định giá thấp so với tiềm năng tăng trưởng. Giá cổ phiếu đã phục hồi nhẹ trong quý III, kết quả hoạt động kinh doanh vẫn rất tích cực, tập trung ở các nhóm ngành bất động sản, ngân hàng, dầu khí…
Triển vọng nâng hạng MSCI cũng là yếu tố thu hút các quỹ ngoại, dòng vốn ngoại nhiều khả năng sẽ quay trở lại TTCK Việt Nam vào cuối năm. “Điều này tạo tiền đề cho xu hướng tích cực được duy trì đến cuối năm, đặc biệt là trong quý IV”, chuyên gia này nhận định.