Gần đây, những đường dây cho vay nặng lãi liên tục được phát hiện từ Nam chí Bắc. Không chỉ tồn tại, núp bóng dưới các hiệu cầm đồ, dịch vụ đáo nợ ngân hàng, công chứng ở các thành phố lớn…, tín dụng đen còn bùng phát tại các vùng quê dưới dạng hụi, họ…
Thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, có khoảng 70% dân số Việt Nam chưa đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng. Trong khi đó, nếu tính riêng, số doanh nghiệp có khả năng tiếp cận tín dụng chính thức chỉ mới chiếm 1/3 tổng số doanh nghiệp.
Nhu cầu vốn lớn, điều kiện vay vốn ngân hàng phức tạp, trong khi thủ tục vay tín dụng đen nhanh gọn, không cần tài sản thế chấp đã khiến một bộ phận người dân tìm đến tín dụng đen.
Điều này lý giải tại sao, dù ngành công an đẩy mạnh điều tra, truy quét, xét xử tội phạm cho vay nặng lãi, song các tổ chức cho vay ngầm này vẫn vươn vòi bạch tuộc, triệt chỗ này lại mọc chỗ khác.
Rõ ràng, để giải quyết tận gốc vấn đề tín dụng đen thì không thể chỉ áp dụng biện pháp hình sự.
Muốn giải quyết tận gốc, trước hết phải thực hiện bằng giải pháp kinh tế. Đó là đa dạng hóa các kênh tín dụng chính thức, đồng thời quy định khung pháp lý cho hoạt động cho vay không chính thức.
Hệ thống tổ chức tín dụng tại Việt Nam hiện khá đa dạng, bao gồm các làm nhiệm vụ thương mại lẫn ngân hàng làm nhiệm vụ cấp tín dụng chính sách, các công ty tài chính, các tổ chức tín dụng vi mô, các quỹ tín dụng nhân dân… song chưa thể đáp ứng hết nhu cầu người dân.
Muốn chặt bớt vòi tín dụng đen, trước hết, hệ thống tín dụng chính thức này cần phải mở rộng mạng lưới, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp người dân tiếp cận vốn dễ hơn, không còn e ngại ngân hàng.
Thứ hai, cần mở rộng và thành lập mới thêm công ty tài chính tiêu dùng, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân…. ở địa bàn nông thôn để giải quyết nhu cầu về tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp.
Thứ ba, trong bối cảnh cách mạng 4.0, cơ quan quản lý cần tạo khuyến khích các ngân hàng, các công ty công nghệ tài chính (fintech) áp dụng công nghệ mới trong hoạt động để đáp ứng nhu cầu thanh toán và vay vốn của người dân. Đồng thời, có hành lang pháp lý để các fintech hoạt động lành mạnh, đúng luật.
Phải thừa nhận rằng, tín dụng phi chính thức đã giải tỏa được nhu cầu vốn cho nhiều người dân không thể tiếp cận vốn ngân hàng. Chính vì vậy, trong khi tín dụng chính thức chưa phủ sóng rộng khắp, thì các cơ quan chức năng cần nhận diện rõ các tổ chức cho vay phi chính thức và đưa vào quản lý, vừa đảm bảo mối quan hệ vay mượn giữa các bên được pháp luật bảo vệ, vừa tránh thất thu thuế.
Bài học của nhiều nước cho thấy, việc đưa tín dụng đen vào khung khổ pháp lý không chỉ giám sát được hoạt động của loại hình cho vay này, mà còn giúp bảo hộ, khuyến khích các hoạt động tín dụng chính thức phát triển.
Riêng với khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần phải thấy rằng, thị trường vốn đang ngày càng rộng mở. Thay vì phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng và tín dụng đen, doanh nghiệp cần mạnh dạn tìm đến các kênh cung ứng vốn khác như thị trường trái phiếu, cổ phiếu…
Đương nhiên, để người dân hạn chế tìm đến kênh tín dụng đen, chính quyền và ngành công an cũng phải vào cuộc mạnh hơn, bởi chính quyền địa phương cũng có một phần trách nhiệm không nhỏ khi để tín dụng đen lộng hành.
Cuối cùng, các chế tài xử phạt tín dụng đen hiện chưa đủ mạnh. Vì vậy, để có căn cứ răn đe, cần tiếp tục sửa đổi, ban hành các quy định pháp lý, qua đó bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ các bên trong quan hệ vay mượn, tránh tình trạng sử dụng xã hội đen trong đòi nợ như hiện nay.