Thị trường chứng khoán được đánh giá cao so với các kênh đầu tư khác nhờ đặc tính minh bạch cao hơn cùng những luật chơi công bằng cho tất cả. Nhưng đối với một thị trường mới nổi như Việt Nam, bên cạnh những thành tích đạt được thì vẫn còn những “hạt sạn” mà nếu không được sàng lọc, gạn bỏ triệt để, có thể sẽ dẫn đến niềm tin từ giới đầu tư vơi bớt.
Một sự kiện đáng chú ý diễn ra gần đây là việc Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) phải nộp 2.400 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối cho cổ đông Nhà nước giai đoạn 2016 trở về trước. Phản ứng trước thông tin tiêu cực đó, giá cổ phiếu Sabeco đã giảm liên tục từ 222.000 đồng xuống còn 214.000 đồng chỉ trong vòng một tuần qua.
Đáng tiếc là lỗ hổng tài chính này chỉ được phát hiện và công bố sau khi thương vụ đấu giá, chuyển nhượng trị giá gần 5 tỷ USD cho nhà đầu tư Thaibev diễn ra. Câu hỏi đặt ra là vì sao các khâu kiểm tra, đánh giá toàn diện về tình hình tài chính của Sabeco trước thời điểm đấu giá đã không phát hiện được thiệt hại tiềm ẩn đó cho các nhà đầu tư hiện hữu – những người đã trót dành những đồng tiền tích lũy nhiều năm để nắm cổ phần của Sabeco? Và đơn vị nào phải chịu trách nhiệm về xác minh chất lượng thông tin, giá trị của DN trước khi rao bán?
Sabeco vì thế có thể xem là bài học kinh điển cho các nhà đầu tư về trình độ phát triển thực chất của thị trường chứng khoán Việt. Thực chất dù VN-Index tăng trưởng mạnh mẽ trong năm qua và trở thành một hiện tượng của cả khu vực, nhưng chất lượng các tài sản niêm yết trên thị trường vẫn là điều gây nghi ngại lớn cho các nhà đầu tư, nhất là các định chế tài chính chuyên nghiệp.
Đó cũng là một nhân tố quan trọng góp phần khiến khối ngoại có dấu hiệu thoái mạnh vốn trong thời gian gần đây khi lo ngại một số cổ phiếu blue chips đã tăng quá nóng, vượt quá các phương pháp định giá thông thường.
Áp lực cho các nhà quản lý là rất lớn. Không cải thiện được chất lượng minh bạch về lâu về dài sẽ gây tổn hại đến sự phát triển bền vững của thị trường. Mà trước mắt là việc nâng hạng từ nhóm các thị trường cận biên (frontier) sang thị trường mới nổi (emerging markets) của MSCI cũng như kế hoạch phát triển của các DN.
Điển hình là thời gian qua, vì nhu cầu cấp thiết phải huy động vốn đầu tư, một số DN như địa ốc Novaland, mía đường Thành Thành Công Tây Ninh không đủ kiên nhẫn để chờ đợi mà đã đánh tiếng muốn chuyển sang niêm yết ở các thị trường như Singapore, Hong Kong… Thị trường cần lắm một sự hành động quyết liệt hơn, có tính trách nhiệm cao hơn hơn là những lời hứa hẹn đầy màu sắc!
Quay trở lại trường hợp của Sabeco, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị Bộ Công thương phải chỉ đạo kiểm tra, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân tại Bộ Công thương trong việc không chia hết lợi nhuận của năm 2016 trở về trước. Bộ phận đại diện vốn tại Sabeco cũng bị đề nghị kiểm điểm trách nhiệm về việc không đề xuất phương án phân phối tiếp lợi nhuận còn lại của năm 2016. Đồng thời, Kiểm toán cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc xác định giá trị các khoản thoái vốn của Sabeco tại một dự án bất động sản cùng một số thương vụ đầu tư vào các DN đang thua lỗ.
Nhưng dù có “sửa chữa” như thế nào thì danh tiếng của thị trường chứng khoán Việt đã ít nhiều bị ảnh hưởng một khi niềm tin bị sụt giảm. Theo kế hoạch năm nay, danh sách cổ phần hóa, thoái vốn của các DNNN lên đến con số 245 đơn vị với sự xuất hiện của khá nhiều các thương hiệu hàng đầu, trị giá hàng tỷ USD như Tập đoàn cao su Việt Nam, Tổng công ty Bia rượu – nước giải khát Hà Nội (Habeco), CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), các DN trong danh mục quản lý của SCIC… Sau sự cố xảy ra tại Sabeco, liệu những thương vụ này sẽ thành công được như mong muốn?