Đó là các dự thảo quản lý vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; cho vay lại nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; lập, quản lý và sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ; cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ
Điểm đáng chú ý trong các dự thảo là việc vay, sử dụng vốn và yêu cầu đối với những chủ thể muốn được bảo lãnh chính phủ, đã được quy định khá chặt chẽ.
Theo dự thảo nghị định quản lý vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 5 năm, chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương, khung điều kiện tài chính vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của một số nhà tài trợ lớn… các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện chương trình, dự án đầu tư có văn bản đề xuất gửi Bộ Tài chính.
Văn bản cần làm rõ tên dự án, giai đoạn triển khai, nhu cầu vốn vay nước ngoài và khả năng bố trí vốn đối ứng, điều kiện vay ODA hay vay ưu đãi, dự kiến cơ chế tài chính trong nước; trường hợp đề xuất danh mục các dự án thì lập thứ tự ưu tiên. Đối với UBND cấp tỉnh cần kèm theo báo cáo về tình hình dư nợ, danh mục các khoản vay đang giải ngân và còn dư nợ, dự kiến giải ngân và trả nợ, dự kiến dư nợ ngân sách địa phương theo từng năm đến khi kết thúc giải ngân các khoản vay.
Với dự thảo về cho vay lại nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí vốn từ nguồn ngân sách địa phương, hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác để trả đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ (gốc, lãi, phí) từ các khoản vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của Chính phủ.
Việc trả nợ các khoản vay lại từ nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi phải được UBND cấp tỉnh bảo đảm trước khi trả các khoản nợ khác. Bên vay lại có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định trong hợp đồng cho vay lại, không phụ thuộc vào tình hình thực hiện các hợp đồng thương mại liên quan đến việc sử dụng vốn vay lại.
Lãi phạt chậm trả bằng lãi suất phạt chậm trả theo quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài. Trường hợp trong thỏa thuận không quy định, mức lãi phạt chậm trả được xác định 150% lãi suất cho vay lại. Định kỳ theo kế hoạch kiểm tra hàng năm hoặc đột xuất, Bộ Tài chính kiểm tra và giám sát đối với cơ quan được ủy quyền cho vay lại và bên vay lại. Việc kiểm tra và giám sát có thể thực hiện ở từng khâu hoặc ở tất cả khâu của quá trình đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh và hoàn trả vốn vay.
Các dự án vay lại của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện kiểm toán độc lập hoặc kiểm toán nhà nước hàng năm về tình hình sử dụng vốn vay lại, tình hình trả nợ vay lại.
Trong dự thảo về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ, với doanh nghiệp là người vay, chủ thể phát hành trái phiếu, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp phải có thời gian hoạt động ít nhất 3 năm; không bị lỗ trong 3 năm liền kề gần nhất theo báo cáo kiểm toán, trừ các khoản lỗ do thực hiện chính sách; không có nợ quá hạn tại thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh; bảo đảm hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm gần nhất; có tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia dự án tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án…
Mức bảo lãnh đối với các chủ thể từ 50% đến 70% tổng mức đầu tư. Riêng mức bảo lãnh chính phủ đối với khoản phát hành trái phiếu của ngân hàng chính sách 100% hạn mức.
Đây là những nghị định quan trọng trong việc quy định chi tiết Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2017. Các quy định cụ thể liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý; đối tượng, điều kiện cấp bảo lãnh, kiểm soát rủi ro đối với bảo lãnh chính phủ, vay về cho vay lại vốn vay nước ngoài; giám sát sử dụng vốn vay… đã được siết chặt hơn, từ điều kiện được bảo lãnh với từng nhóm đối tượng đến việc quản lý nợ chính quyền địa phương trong việc xác định rõ trách nhiệm, điều kiện vay và trả nợ của chính quyền địa phương.
Việc tập trung về một đầu mối quản lý nợ công là Bộ Tài chính từ khâu đàm phán, vay nợ, quản lý sử dụng nợ cho đến lên kế hoạch trả nợ được nhìn nhận sẽ tăng tính thống nhất và hiệu quả trong quản lý nợ.
Vấn đề đặt ra là cần hạn chế tối đa việc Chính phủ bảo lãnh nợ và tăng tính công khai, minh bạch. Đối với quản lý rủi ro bảo lãnh chính phủ cần có cơ chế theo dõi và hạn chế tối đa tình hình ngân sách phải trả nợ thay hoặc bảo lãnh nợ cho các khoản doanh nghiệp nhà nước tự vay tự trả khi các doanh nghiệp này phá sản. Thực hiện các biện pháp siết bảo lãnh nợ và tăng tính công khai, minh bạch trong việc bảo lãnh nợ.
Để làm điều này cần cơ chế tăng cường theo dõi, giám sát, quản lý, đánh giá và kiểm soát rủi ro tiềm ẩn của các khoản nợ tự vay tự trả của các doanh nghiệp nhà nước (cả tiền kiểm và hậu kiểm). Có như vậy mới hạn chế tối đa tình trạng ngân sách phải trả nợ thay cho các doanh nghiệp bị phá sản.