Trong năm 2018, Cencon đặt mục tiêu doanh thu đạt 160 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2017; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 19 tỷ đồng và 15 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 5%.
Tuy nhiên, theo BCTC bán niên, công ty mới chỉ đạt gần 50 tỷ đồng doanh thu và 1,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đạt lần lượt 31,2% và 12% mục tiêu kinh doanh năm.
Cổ phiếu “cắm đầu” giảm giá
Trong hơn một tháng vừa qua, cổ phiếu CEN góp mặt trong danh sách các mã chứng khoán có đà giảm sâu nhất sàn UPCoM sau khi đạt mức đỉnh 208.100 đồng/cp tại phiên giao dịch ngày 22/8.
Cụ thể, ngay sau phiên giao dịch ngày 22/8, cổ phiếu CEN đã giảm một mạch xuống còn 67.800 đồng/cp (phiên giao dịch ngày 10/9). Sau đó, có sự phục hồi về mức 97.900 đồng/cp. Tuy nhiên, ngay sau đó, CEN lại tiếp tục “cắm đầu” giảm sâu điểm về mức giá 37.400 đồng/ cp (phiên 3/10).
Nếu tính tại mức giá của phiên giao dịch ngày 3/10, CEN đã giảm gần 5,6 lần. Tuy nhiên, cùng với đà hồi phục của thị trường chứng khoán, CEN đã hồi phục về mức 42.900 đồng như hiện tại, thu hẹp mức giảm xuống còn 4,85 lần.
Trước đó, cổ phiếu CEN chào sàn UPCoM hôm 15/6 với giá 10.400 đồng/cp, và lập tức thu hút giới đầu tư với đà tăng giá “phi mã”.
Tại mức giá đỉnh 208.100 đồng/cp, CEN đã tăng gấp 20 lần so với giá chào sàn, tại thời điểm đó, vốn hóa thị trường của CEN đạt 272,4 tỷ đồng.
Đà tăng trưởng “thần tốc” đã khiến CEN trở thành cổ phiếu có thị giá lớn nhất sàn UPCoM, và là cổ phiếu có thị giá lớn thứ 3 thị trường chứng khoán sau YEG và SAB tại thời điểm đó.
Cổ phiếu CEN tăng trưởng chóng mặt đã khiến không ít nhà đầu tư lo ngại, bởi đây chỉ là một cổ phiếu mới lên sàn, tuổi đời doanh nghiệp còn ít, hơn nữa hoạt động kinh doanh không có gì nổi bật.
Sự lo ngại của giới đầu tư còn đến từ “bài học” trong quá khứ của một doanh nghiệp được cho là có liên quan đến Cenco là CTCP Phân phối Top One (mã: TOP).
Cổ phiếu TOP cũng đã có những biến động bất thường tương tự CEN trong khoảng thời gian đầu lên sàn hồi tháng 7/2015.
Sau khi tăng trần liên tiếp và tạo đỉnh tại vùng giá 17.000 đồng/ cp, TOP đã điều chỉnh không có điểm dừng về mức giá 1.200 đồng/ cp như hiện tại, tương đương đã giảm 92,9%. Thậm chí, trong tháng 9, TOP chỉ giao dịch tại mốc 1.000 đồng/cp.
Cuối năm 2016, TOP đã từng tính chuyện chuyển niêm yết từ sàn UPCoM sang sàn HoSE với thị giá lúc đó là 2.000 đồng/cp. Tuy nhiên đến nay chưa thấy tiến hành thực hiện.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, HĐQT Cencon Việt Nam đã trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 13 tỷ đồng lên 299 tỷ đồng trong năm nay theo hình thức phát hành cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu.
Tỷ lệ thực hiện là 1:21,87, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu có quyền mua 2.187 cổ phiếu với mức giá phát hành 10.000 đồng/cp.
![]() |
Tăng vốn để… trồng rừng
Theo kế hoạch, Cencon sẽ chi gần 240 tỷ đồng mua 500 ha đất trồng rừng kinh tế tại khu vực Hà Giang. Số tiền còn lại, công ty bổ sung vốn để tiếp tục triển khai trồng rừng kinh tế.
Dự án mà Cencon nhận chuyển nhượng vị trí tại huyện Vị Xuyên – tỉnh Hà Giang, dự án trồng rừng kinh tế kết hợp chăn nuôi động vật dưới tán rừng trong giai đoạn từ 2009 – 2059.
Cencon đặt mục tiêu trong 5 năm tới có khoảng 10.000 ha trồng nguyên liệu dược, và 3-5 nhà máy chế biến các sản phẩm nam dược.
Đáng chú ý, trong đợt phát hành dự kiến nói trên, số cổ phiếu bán cho cổ đông theo tỷ lệ phân bổ quyền sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng, chỉ hạn chế chuyển nhượng 1 năm đối với số cổ phiếu phân bổ không hết.
Như vậy, với mức giá đã giảm như hiện tại, sau phi phát hành lượng cổ phiếu khủng để tăng vốn, thị giá cổ phiếu CEN sau khi bị pha loãng có khả năng sẽ quay trở lại thị giá ban đầu.
CTCP Dịch vụ Hàng không Cencon Việt Nam tiền thân là CTCP Đầu tư Thành Thái được thành lập ngày 24/12/2015 với vốn điều lệ ban đầu là 3 tỷ đồng và ba cổ đông sáng lập.
Kể từ khi thành lập đến nay, Cencon mới tăng vốn một lần thêm 10 tỷ đồng, lên 13,092 tỷ đồng, do phát hành 1 triệu cổ phiếu cho bà Trần Ngọc Mai.
Hình thức nhận góp vốn bằng tài sản là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà của bà Trần Ngọc Mai theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2017. Bà Mai hiện cũng đang là Thành viên HĐQT của Cenco và là vợ của ông Nguyễn Tiến Thành – Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc công ty.
Ngoài ông Thành, bà Mai, HĐQT của Cencon còn có hai thành viên khác là bà Mạc Thị Hoa và ông Triệu Tiến Duẩn.
Được biết, ông Thành, bà Hoa, ông Duẩn mới chính thức trở thành cổ đông của Cencon từ tháng 10/2017 do nhận chuyển nhượng cổ phần từ ba cổ đông sáng lập với tỷ lệ sở hữu lần lượt là ông 40%, 30% và 30%.
Thời gian hạn chế chuyển nhượng của các cổ đông này là đến 24/12/2018. Tuy nhiên, theo cập nhật cơ cấu cổ đông tính đến ngày 26/2/2018, ba cổ đông này đã hạ tỷ lệ nắm giữ tại công ty ông Thành (còn nắm 9,17%); ông Duẩn (còn nắm 6,87%) và bà Hoa (nắm 6,87%).
Tạm tính đến ngày chốt danh sách cổ đông, còn tới 10 tháng “bộ ba” này mới được chuyển nhượng số cổ phần đã nhận trước đó, như vậy, phần lớn lượng nắm giữ của các ông bà nói trên đã đi đâu?
Tại bản cáo bạch của Cencon cho biết, cũng tại ngày 26/2/2018, cơ cấu cổ đông của công ty có tới 98,7% là cổ đông cá nhân, cổ đông tổ chức chỉ nắm phần không đáng kể là 1,83%.
Tuy nhiên, với “kế hoạch” trồng tới 10.000 ha nguyên liệu dược, và 3-5 nhà máy chế biến các sản phẩm nam dược, không hiểu Cencon sẽ tăng vốn thêm bao nhiêu lần nữa, để đạt mục tiêu.
Trong tình thế cổ phiếu liên tục bị pha loãng, giảm giá, kế hoạch tham vọng của Cencon xem ra khó thành hiện thực.